Nhân lực lãnh đạo, quản lý xứng tầm: Khó hay dễ?

Chính trị - Ngày đăng : 15:15, 06/09/2021

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để có được nhân lực lãnh đạo, quản lý xứng tầm, nằm ở việc bố trí sử dụng cán bộ hợp lý với một chế độ đãi ngộ tương xứng với hiệu suất công việc.


Nghị quyết Đại hội XIII đề ra 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh đến khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao

Một trong 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước chuyển biến mạnh mẽ toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.

Những điểm mới về đột phá nguồn nhân lực

PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Ảnh: Thi Uyên)

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, đột phá về phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, và lần này từ những kinh nghiệm vô cùng quan trọng được Đảng đúc kết sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Nghị quyết và các văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, song lần này xác định rõ hơn về ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao mà trước hết là nguồn nhân lực cho công tác quản lý và một số lĩnh vực trọng yếu. Đây là điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận, phát triển nguồn nhân lực là một khâu đột phá rất đúng và trúng trong bối cảnh hiện nay. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đây là khâu đột phá rất quan trọng để chúng ta tiếp tục quan tâm đào tạo để có một đội ngũ nguồn nhân lực tham gia vào quá trình đổi mới toàn diện của đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và thích ứng với thời kỳ công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ sáng tạo khởi nghiệp, khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực từng công tác.

Thực tế cho thấy, đất nước có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ các cấp trong các ngành, lĩnh vực; có năng lực, trình độ chuyên môn, có sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung hay không.

Vì vậy, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh sự thật, nói rõ sự thật để nhận diện và đánh giá đúng sự thật, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học sản xuất, kinh doanh, nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; việc tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; cơ chế và chính sách các cán bộ trong hoạt động khoa học công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sáng tạo thu hút nhân tài.

Từ đó, Đảng đề ra chủ trương phải đổi mới mạnh mẽ hơn trong khâu thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay theo hướng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt; tăng cường kỷ luật kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương chế độ chính sách đãi ngộ, tạo môi trường điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đây là những định hướng đổi mới lớn trong phát triển nhân lực chất lượng để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

“Chúng ta đang chuyển đổi tư tưởng và quan điểm phát triển mới dựa trên nguồn tài nguyên quý giá nhất là nguồn nhân lực. Vì vậy, với những định hướng và những nền tảng quan trọng trong chính sách có tính vĩ mô cùng những yêu cầu của thực tiễn sẽ giúp chúng ta có thêm những bài học và có thêm hiệu quả trên thực tế để các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ sở đào tạo nhân lực có điều kiện tiếp cận với công nghiệp 4.0 nhanh nhất”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phân tích thêm.

GS.TS Phạm Hồng Quang (Ảnh: Đài PT-TH Thái Nguyên)

GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề đã được Đảng chú trọng từ nhiều kỳ đại hội. Tuy nhiên, nghị quyết được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều quan điểm mới thể hiện tư duy sáng tạo, đột phá về phát triển con người toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ chủ trương cho đến giải pháp thực hiện chiến lược phát triển con người và coi trọng con người là một trong ba điểm nhấn quan trọng và xuyên suốt trong chủ trương chính sách của Đảng.

GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, chiến lược phát triển con người và coi trọng con người là một trong 3 điểm nhấn quan trọng nhất để phát triển bền vững. Nội dung này được thể hiện bao trùm trong toàn bộ các nội dung văn kiện, đặc biệt là trong đổi mới sáng tạo, chiến lược phát triển con người đang trở thành một nội dung cực kỳ quan trọng và đang tạo ra một cảm hứng xã hội, tạo ra một điểm nhấn và sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để phát triển đất nước.

Giải pháp để thực hiện đột phá nhân lực quản lý lãnh đạo

Để có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý có chất lượng cao còn nhiều việc cần làm như đổi mới công tác đào tạo tuyển dụng, bố trí luân chuyển cán bộ, có chính sách khuyến khích thu hút nhân tài để tạo ra đội ngũ cán bộ “6 dám”. Từ thực tế lãnh đạo quản lý ở địa phương, đồng chí Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, cùng với thay đổi nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý, chúng ta phải lựa chọn đúng các ứng cử viên để gửi đi đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đó là những người có nền tảng kiến thức tốt, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, có trách nhiệm và chí tiến thủ để đưa đi đào tạo ở tất cả các lĩnh vực thì mới mong có nguồn nhân lực đỉnh cao.

GS.TS Hoàng Văn Cường

GS.TS Hoàng Văn Cường

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức lãnh đạo quản lý theo hướng không chỉ đào tạo lý luận suông mà chú trọng đào tạo kỹ năng quản lý từ các tình huống cụ thể của cuộc sống, và quá trình đào tạo bồi dưỡng phải diễn ra một cách liên tục chứ không chỉ đào tạo, cấp bằng hay chứng chỉ là xong… Nhưng vấn đề quan trọng hơn để có được nhân lực lãnh đạo, quản lý xứng tầm lại nằm ở việc bố trí sử dụng cán bộ hợp lý với một chế độ đãi ngộ tương xứng với hiệu suất công việc.

“Yếu tố tôi rất quan trọng là sau khi đào tạo rồi thì tuyển dụng, bố trí sử dụng cán bộ như thế nào, tránh tình trạng tuyển dụng đãi ngộ theo bằng cấp nên họ chỉ học lấy bằng chứ không phải học để lấy trình độ, kiến thức thật với những kỹ năng cần thiết. Vì thế, vấn đề tuyển dụng, sử dụng cán bộ và chế độ đãi ngộ phải thực hiện theo chất lượng hiệu quả công việc mà họ đã làm chứ không phải theo bằng cấp… Cùng với đó, quá trình đào tạo bồi dưỡng phải diễn ra liên tục, có vậy mới tạo ra bước tiến mới để mỗi người luôn luôn vươn lên để đạt được trình độ cao”, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Theo bà Nguyễn Thu Ngọc, nguyên giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công là một quá trình triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bao gồm giải pháp cải cách giáo dục (giải pháp gốc); cải cách hành chính; đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cải cách chế độ tiền lương; xây dựng văn hóa công sở; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức, đặc biệt là phải cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương.

Cụ thể, việc cải cách chế độ tiền lương ở khu vực công phải dựa trên nguyên tắc phân tích, mô tả công việc để từ việc mà tuyển dụng người và trả lương cho người làm việc. Cải cách chế độ tiền lương không chỉ có ý nghĩa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc chuyên tâm, chuyên cần, chuyên nghiệp và tích cực thực hiện cải cách hành chính; mà còn có ý nghĩa thu hút, giữ lại nhân tài cho khu vực công, thu hút các trí thức Việt kiều, chuyên gia nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

“Chuyên gia, nhân tài nói chung không chỉ vì tiền, mà họ chủ yếu là muốn được làm việc trong môi trường công sở văn minh, dân chủ. Bởi vậy, cải cách tiền lương nhất thiết phải gắn liền với việc tinh giản biên chế theo quan điểm “thà ít mà tốt” và xây dựng cho được nền văn hóa công sở”, bà Nguyễn Thu Ngọc bày tỏ.

Theo VOV