Hoàn thiện mô hình hoạt động Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Chính trị - Ngày đăng : 19:09, 08/09/2021
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Chiều 8.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, đã chủ trì cuộc làm việc hoàn thiện dự thảo Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.”
Cùng dự có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong 20 năm qua, qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đều đạt được những kết quả quan trọng trong tham mưu giúp Bộ Chính trị chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp... Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp.”
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 10 năm qua, Đề án “Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương” đã tích cực được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án đảm bảo chặt chẽ, khoa học, sớm trình Bộ chính trị cho ý kiến.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ, là điều kiện quan trọng giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cải cách tư pháp.
Từ đó, tiếp tục đóng góp vào thành tựu của công cuộc đổi mới, sự phát triển của đất nước, nhất là trong bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo TTXVN