Phát triển kinh tế số trên thế giới
Kinh tế - Ngày đăng : 19:02, 09/09/2021
Kinh nghiệm từ các nước
Cộng hòa Liên bang Đức thành lập Phòng Công nghiệp 4.0, chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức triển khai chuyển đổi số, phát triển KTS trên toàn quốc; thiết lập các tổ công tác đặc trách như tổ về xây dựng tiêu chuẩn, tổ về đào tạo - việc làm, tổ về an ninh mạng, tổ về xây dựng mô hình… để quản lý, điều hành từng lĩnh vực cụ thể.
Với Nhật Bản, chương trình phát triển KTS nằm trong chương trình tổng thể về xã hội 5.0. Trong đó, Nhật Bản đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, biện pháp như tập trung tái cơ cấu các ngành kinh tế và việc làm để thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tăng cường khả năng phát hiện, chống lại các cuộc tấn công mạng…
Để phát triển KTS, Hàn Quốc đã giao thêm trọng trách cho một số cơ quan chuyên môn; tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và phát triển. Quốc gia này xác định phát triển KTS là sự phát triển tổng hợp, liên ngành của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành, lĩnh vực công nghiệp; khoa học và công nghệ...
Giá trị tham khảo đối với Việt Nam
Các quốc gia đều xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển KTS. Điểm chung là đều thành lập cơ quan, thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển KTS, thông thường cơ quan này thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành có liên quan. Một số quốc gia còn thành lập các cơ quan chuyên trách ở các ngành, địa phương để chuyển đổi số và phát triển KTS ở ngành, địa phương.
Tập trung phát triển các lĩnh vực KTS giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng, qua đó tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết như CPTPP, EVFTA… Đồng thời phát triển mạnh những lĩnh vực nền tảng của KTS như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số. Có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ mới, cốt lõi của KTS thông qua các chính sách hỗ trợ cũng như mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.
Các quốc gia đều quan tâm giải quyết những mặt trái phát sinh trong phát triển KTS, xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế… để có giải pháp, chính sách phù hợp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, doanh nhân số. Đổi mới giáo dục, đào tạo để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số.
LÊ TRẦN(tổng hợp)