App chống dịch phải như văn phòng "một cửa" để dân không "rối"
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 10:06, 12/09/2021
Chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin của người dân trên app - Ảnh: DUYÊN PHAN
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng bản chất của công nghệ ra đời để phục vụ tối ưu một mục tiêu nào đó.
Khi chúng ta đặt mục tiêu phát hiện virus, cách ly, dập dịch trong giai đoạn ban đầu thì cần thiết có những ứng dụng công nghệ truy vết tương ứng.
Trong giai đoạn sắp tới phục vụ việc dần dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch thì thành phố cần thiết phải đưa vào ứng dụng những công nghệ phục vụ mục tiêu này.
Trước mắt cần gấp rút tích hợp dữ liệu tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm, F0 đã khỏi bệnh với dữ liệu cấp phép đi đường để thành một hệ thống quản lý thống nhất.
TS Trương Minh Huy Vũ
* Việc thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch cho người dân dễ sử dụng là điều nên làm, vậy ứng dụng đó cần đạt tiêu chí gì, thưa ông?
- Có 3 tiêu chí cần đưa làm nguyên tắc cho việc lựa chọn. Một là thuận tiện, dễ sử dụng vì mục đích quan trọng nhất để các ứng dụng tích hợp ra đời là để người dân thuận tiện, dễ thao tác.
Hai là thống nhất về mặt dữ liệu vì ứng dụng nào đi nữa cũng cần đóng vai trò như văn phòng "một cửa", khi truy cập vào ứng dụng, người dân sẽ có thể truy cập đến tất cả các chức năng cần thiết từ giấy đi đường, xét nghiệm, đến vắc xin.
Dữ liệu thống nhất sẽ đóng vai trò định danh và xác thực danh tính của người dân hỗ trợ công tác quản lý và phòng chống dịch.
Thứ ba là cần nhanh chóng và cập nhật theo thời gian thực vì một trong các chức năng là bảo đảm cung cấp thông tin cho người dân và bảo đảm thông tin của người dân được cập nhật nhanh nhất lên hệ thống.
Người dân có thể yêu cầu chỉnh sửa thông tin tiêm vắc xin trên Cổng tiêm chủng quốc gia từ 11.9 - Ảnh: KHÔI NGUYÊN
* Ứng dụng "một cửa" sẽ được lựa chọn từ những ứng dụng đang triển khai hay sẽ có một ứng dụng mới tổng hòa những tính năng tốt nhất?
- Có thể trong giai đoạn đầu, vì nhiều lý do khác nhau chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của một đến hai ứng dụng công nghệ quản lý cùng một lúc.
Tuy vậy, những ứng dụng này phải có tính liên thông dữ liệu với nhau để bảo đảm được các nguyên tắc và tiêu chí ở trên.
Trước mắt cần gấp rút tích hợp dữ liệu tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm, F0 đã khỏi bệnh với dữ liệu cấp phép đi đường để thành một hệ thống quản lý thống nhất.
Quan trọng không kém, khi thực hiện phải đặt mọi phương án trong tư duy (ít nhất) vùng TP Hồ Chí Minh mở rộng để khi bắt đầu mở cửa không mâu thuẫn hay thiếu đồng bộ với các địa phương láng giềng đang cùng đóng góp vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất.
* Vai trò của dữ liệu và việc liên thông dữ liệu khi tiến hành "mở cửa" từng bước là như thế nào, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của dữ liệu. Thành phố đang nới lỏng từng bước, thí điểm theo ngành nghề và quận huyện tương thích với từng giai đoạn.
Trong quá trình mở cửa và phục hồi kinh tế này, lãnh đạo thành phố cần có dữ liệu để giám sát được kết quả từng ngày, từng tuần của những thí điểm để có điều chỉnh và chỉ đạo thích hợp. Người dân, doanh nghiệp càng cần có những thông tin mang tính chỉ dấu để có thể tự quản lý những rủi ro của doanh nghiệp, của gia đình mình.
Dữ liệu là tài sản quan trọng; không chỉ với quản lý nhà nước, mà là nguồn tài nguyên quan trọng cho việc phục hồi và tái thiết kinh tế của thành phố trong giai đoạn tới.
* Các nước trên thế giới có tình trạng "nở rộ" ứng dụng công nghệ chống dịch trong giai đoạn đầu như ở Việt Nam không?
- Nhiều thành phố tại châu Á (như Seoul, Singapore, Thâm Quyến, Đài Bắc...) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số với quy mô lớn trong nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của đại dịch, khi chưa tiếp cận được đủ nguồn cung vắc xin.
Kinh nghiệm của các thành phố này cho thấy ứng dụng công nghệ số có thể góp phần hữu hiệu vào nỗ lực chế ngự sự lây lan của dịch bệnh.
Ngược lại đối với các đô thị lớn tại Mỹ, Úc và châu Âu, ví dụ như San Francisco, Sydney, Berlin... việc ứng dụng công nghệ số đã gặp phải nhiều rào cản do đặt nặng nhu cầu bảo đảm quyền riêng tư người dân và do các quy định pháp luật về không công khai thông tin cá nhân, đặc biệt thông tin về sức khỏe, thường rất khắt khe.
Do đó, các ứng dụng công nghệ dùng trong đại dịch thường rất giới hạn trong các chức năng điều tra dịch tễ hay giám sát cư dân để phát hiện các trường hợp rủi ro lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Điều chỉnh thông tin tiêm vắc xin trên web
Chiều 11.9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết đến hết ngày 10.9 đã có hơn 350.000 lượt gửi thông tin đề nghị điều chỉnh quá trình tiêm vắc xin.
HCDC đang phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý và điều chỉnh thông tin bảo đảm tính chính xác và có "giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19" đúng quy định.
Bên cạnh đó, trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cũng đã cho phép người dân gửi yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin.
Người dân có nhu cầu yêu cầu chỉnh sửa truy cập đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn, chọn mục "Phản ánh thông tin" (màu cam, phía bên phải giao diện website) hoặc https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report.
Tại buổi họp báo về tình hình COVID-19 hôm qua 11.9, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết khi thành phố tính toán áp dụng công nghệ ghi nhận "thẻ xanh", "thẻ vàng", số liệu tiêm chủng đều được cập nhật đầy đủ, chính xác trên hệ thống nên người dân có thể chủ động phản ánh, yêu cầu bổ sung, điều chỉnh thông tin tại mục phản ánh thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở địa chỉ trên.
Theo Tuổi trẻ