Dạy và học tập trực tuyến: Làm thế nào để đạt hiệu quả cao?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 08:08, 13/09/2021

Mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến khả thi và phù hợp với học sinh, có sự tương tác thường xuyên, liên tục giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh mới đem lại hiệu quả thực sự.


Nhiều trường hợp 2 học sinh phải học chung trên một thiết bị

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành phố trên cả nước, hiện có hơn 11.000 trường phổ thông đang tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, do học sinh không thể đến trường vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu của năm học mới còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục cho rằng, mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến khả thi và phù hợp với học sinh, trong đó, có sự tương tác thường xuyên, liên tục giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh mới đem lại hiệu quả thực sự.

Xây dựng kế hoạch học trực tuyến khả thi và phù hợp

Dự kiến giữa tháng 9.2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học. Trong đó, bảo đảm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi của tất cả các môn học; làm cơ sở để thực hiện các nội dung khác một cách chủ động, linh hoạt trong các tình huống khác nhau của tình hình dịch COVID-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường khi triển khai cần đảm bảo các môn học công bằng như nhau, không xem một số môn là môn chính và cắt bớt thời lượng của một số môn bị xem là môn phụ.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Sư phạm (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chí Thành, khi triển khai giảng dạy trực tuyến, các nhà trường cần kết hợp hài hòa giữa các môn học để có một kế hoạch học trực tuyến khả thi và phù hợp.

Không để học sinh quá tải về kiến thức, thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển tự nhiên của học sinh phổ thông. Nhà trường và giáo viên cũng cần hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp chăm sóc, giáo dục học sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến.

Do dạy học trực tuyến có những đặc thù khác biệt so với hình thức dạy học trực tiếp nên các giáo viên cần được đào tạo và bồi dưỡng giáo viên để đổi mới phương pháp dạy học.

Day va hoc tap truc tuyen: Lam the nao de dat hieu qua cao? hinh anh 1
Giáo viên khi dạy trực tuyến chỉ mong có được phần mềm tốt, đường truyền nhanh và ổn định để việc dạy và học trực tuyến dần đảm bảo, giúp giáo viên và học sinh yên tâm, phát huy nhiệt huyết, sáng tạo trong các giờ học

Đặc biệt nhấn mạnh đến kỹ năng thiết kế các hoạt động kiểm tra-đánh giá bởi trong giờ dạy trực tuyến, giáo viên không có cơ hội kiểm soát trực tiếp tiến trình học tập của học sinh.

Giáo viên cần có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet; tổ chức các hoạt động học cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.

Giáo viên cần là bạn cùng chơi, cùng học

Tiến sỹ Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, sau một tuần triển khai dạy học trực tuyến tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là với học sinh lớp 1, có 3 thách thức rất lớn đang đặt ra, đó là sự bỡ ngỡ của học sinh khi tiếp cận phương thức dạy học mới; sự căng thẳng của nhà trường, giáo viên và phụ huynh khi sử dung tích hợp công nghệ và sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc đảm bảo hạ tầng, thiết bị, các tài nguyên số cần thiết.

Một trong những nguyên nhân chính tạo ra thách thức, khó khăn đó là cách tổ chức các hoạt động tương tác của giáo viên trong quá trình dạy học.

Sự tương tác bao gồm: tương tác trực tiếp nhưng không tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong giờ học online; tương tác gián tiếp giữa giáo viên và học sinh trước và sau giờ học online; tương tác với cha mẹ học sinh để đảm bảo kết nối và trợ giúp từ phía gia đình học sinh.

Tiến sỹ Tôn Quang Cường cho rằng, phần lớn giáo viên hiện nay mới chỉ tập trung tương tác trong quá trình giờ học online được diễn ra mà quên mất các khả năng hỗ trợ học sinh trước và sau giờ học, đi kèm với đó là sự tham gia trợ giúp của cha mẹ học sinh.

Tuy nhiên, việc duy trì tương tác trong giờ học online là phần việc nặng nhất, khó nhất đối với giáo viên, vì nhiều lý do như thời gian tương tác ngắn, lớp đông học sinh, học sinh hiếu động, kỹ năng sử dụng các giải pháp công nghệ hạn chế, lỗi đường truyền, kết nối, thiếu thiết bị ngoại vi đồng bộ...

Vì vậy, giáo viên nên dành một số buổi học ban đầu (thậm chí 1-2 tuần) không dạy học mà chủ yếu để làm quen với học sinh, hướng dẫn các thao tác cơ bản trên ứng dụng, thiết bị cho học sinh và cả cha mẹ học sinh; trao đổi, kể chuyện với học sinh… để tạo môi trường thân thiện.

Giáo viên cũng cần duy trì việc tương tác với phụ huynh, có thể qua nhóm Zalo để thu thập thông tin phản ánh về việc học tập, chụp ảnh, gửi các nội dung, thông điệp cần thiết; gọi điện, nhắn tin trao đổi, cập nhật liên tục với cha mẹ học sinh để yêu cầu trợ giúp cá nhân…

Tiến sỹ Tôn Quang Cường nhấn mạnh, trong học trực tuyến, bản thân học sinh luôn có xu hướng sợ bị cô đơn khi bị mất giao tiếp, lo lắng khi không hiểu lời cô giảng, nội dung bài giảng, lúng túng khi bắt chước các thao tác hoặc bất an khi thấy làm không đúng theo yêu cầu, bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ…

Do đó, người giáo viên cần phải thực sự là bạn cùng chơi, bạn cùng học trong mọi hoạt động của trẻ.

Dạy học Tiểu học, nhất là cho học sinh lớp 1, 2, cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm gốc. Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kỹ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi và công nghệ phải là đồ chơi.

Chúng ta không có cơ hội kết giao trực tiếp với học sinh nhưng lại có thể kết nối với các em bằng công nghệ. Vì vâỵ, hãy nghĩ đến học sinh để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo theo cách riêng của thầy cô.

Theo TTXVN