Nhức nhối nạn câu móc điện
Tin tức - Ngày đăng : 15:24, 13/09/2021
Ngành điện cần tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm
Việc làm này không chỉ làm thất thoát cho ngành điện, gây sự cố cho lưới điện, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn trong sử dụng điện mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần bị xử lý.
Gia tăng câu móc trộm
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, trong năm 2020, đơn vị đã phát hiện 22 vụ câu móc trộm làm thất thoát 59.180 kWh với số tiền thiệt hại hơn 190 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong 8 tháng qua, ngành điện đã phát hiện 44 vụ trộm cắp điện, gây thiệt hại 167.068 kWh với số tiền hơn 540 triệu đồng, tăng 22 vụ so với cả năm 2020. Các vụ câu móc điện này không chỉ gia tăng về số lượng mà cả hình thức trộm cắp cũng tinh vi và khó phát hiện hơn.
Đầu tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra của Điện lực Thanh Miện phát hiện ông H.A.Th., ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) câu móc điện tại cột 2.1/1.3 trạm biến áp Cầu Lâm để dùng cho sinh hoạt của gia đình. Qua xác minh, tổng lượng điện năng ông Th. gây thiệt hại cho Điện lực Thanh Miện là 19.438 kWh điện, với số tiền gần 63 triệu đồng. Ông Th. đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và thực hiện quy định về bồi thường cho Điện lực Thanh Miện.
Với lượng điện năng gây thiệt hại ở trên, theo quy định ông Th. sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 45-50 triệu đồng. Hiện hồ sơ xử phạt đã được ngành điện hoàn thiện đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định xử phạt theo đúng quy định. Đây là vụ việc câu móc điện gây thiệt hại lớn nhất trên địa bàn huyện Thanh Miện những năm qua. Theo tổng hợp của Điện lực Thanh Miện, trong 8 tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện 7 vụ người dân câu móc điện gây thiệt hại 54.930 kWh điện với số tiền hơn 177 triệu đồng, đã có 6 vụ được xử lý với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 95 triệu đồng.
Mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp câu móc điện gây thiệt hại. Cụ thể, ông T.V.H. ở thôn Đồng Kênh, xã Tam Kỳ (Kim Thành) bị xử phạt 35 triệu đồng và ông P.H.Th. ở thôn Bình An, xã Tân Việt (Bình Giang) bị xử phạt 45 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Điện lực Thanh Miện, hành vi trộm điện phổ biến là hình thức làm mất trung tính vào công tơ và sử dụng trung tính ngoài; có trường hợp mất trung tính vào công tơ và sử dụng trung tính ngoài qua aptomat để điều khiển hoạt động của công tơ. Có trường hợp câu móc trộm điện trực tiếp lên đường dây 0,4 KV không qua đồng hồ điện. Phần lớn các trường hợp vi phạm đều câu móc lấy điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình...
Tăng cường kiểm tra
Nạn câu móc điện không chỉ gây tổn thất điện năng mà còn gây mất an toàn trong sử dụng điện như dễ xảy ra chập điện, rò rỉ điện dẫn đến những tai nạn điện đáng tiếc. Thậm chí, hành vi này còn gây nguy cơ sự cố lưới điện, chập cháy dẫn tới nguy hiểm cho cả hệ thống điện. Dù chưa ghi nhận thông tin chính xác về vụ tai nạn điện do người dân câu móc trộm điện gây ra, nhưng nguy cơ này rất hiện hữu.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ cũng đã có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo nghị định này, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 2 - 50 triệu đồng tùy số lượng điện năng gây thất thoát từ 1.000 - 20.000 kWh điện. Nếu gây thất thoát trên 20.000 kWh điện, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù đã được quy định rõ ràng nhưng nhiều người vẫn cố tình thực hiện các hành vi cấu móc điện.
Trong thời gian tới, ngành điện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện thay thế công tơ có chức năng giám sát từ xa để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Ngành điện cùng các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong sử dụng điện an toàn, hiệu quả...
THANH HOA