Sở trường và sở thích

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:12, 15/09/2021

Mới sáng sớm, chị Thắm đã đến nhà chị Hảo rủ tới nhà cô Minh, giáo viên dạy môn toán THCS. Vừa gặp cô Minh, chị Thắm đon đả:

- Chào cô giáo Minh, chúng tôi có chuyện muốn nhờ cô.

- Có chuyện gì mà 2 bác tìm em sớm vậy?

- Chuyện thế này. Cháu Tiếp con của tôi năm nay lên lớp 6. Cháu học kém nhất môn toán nên cô xem buổi tối có thể kèm thêm cháu không ạ? - chị Thắm nói.

- Nhân tiện nếu cô kèm được cháu Tiếp thì cho cả cháu Nam con tôi học cùng với. Cháu học tốt một số môn nhưng môn toán vẫn chưa giỏi - chị Hảo đề nghị.

- Người cùng xóm với nhau, các chị hay kể nên em thấy hai cháu học không đến nỗi nào mà. Cháu Tiếp tuy học các môn văn hóa như văn, toán, địa lý, ngoại ngữ không giỏi nhưng cháu lại giỏi vẽ. Nhiều bức vẽ của cháu được bạn bè, thầy cô và cả một số họa sĩ chuyên nghiệp khen là vẽ có hồn. Tôi thấy cháu cũng mê vẽ lắm mà. Còn Nam thì ngoại hình cao lớn, khỏe mạnh, có năng khiếu chơi thể thao như chạy, bóng đá. Ngoài ra, cháu còn mạnh dạn, tự tin, hoạt ngôn, giao tiếp rất tốt với mọi người.

- Tôi cũng biết con mình thích vẽ, vẽ đẹp nhưng nếu không giỏi môn toán thì cũng không được cô ạ. Tôi muốn cháu giỏi các môn tự nhiên để sau này làm kỹ sư. Cô tạo điều kiện dạy thêm giúp cháu môn này nhé! - chị Thắm đề đạt.

- Tôi cũng không muốn cho cháu học giỏi môn ít quan trọng như thể dục. Nói gì thì nói cứ phải giỏi toán, văn, ngoại ngữ - chị Hảo tiếp lời.

Nghe chuyện từ đầu, anh Thắng, chồng cô Minh, là một cán bộ nhà nước, từ trong nhà bước ra nói:

- Hai chị nói như vậy không ổn vì mỗi học sinh đều có một thế mạnh và sở thích riêng. Tốt nhất là kết hợp được cả sở thích và sở trường của các cháu thì sau này làm việc gì cũng thuận lợi, thành công. Cháu Tiếp giỏi vẽ, thích vẽ thì chị nên bồi dưỡng, phát huy năng khiếu, đam mê này của cháu để sau này cháu có thể trở thành nhà thiết kế, họa sĩ, kiến trúc sư. Còn cháu Nam chị có thể định hướng cháu làm vận động viên hoặc làm người dẫn chương trình, người tư vấn…

- Có nhà nghiên cứu nước ngoài đã phát hiện con người có 7 loại hình trí thông minh là ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, vận động cơ thể, logic, tương tác cá nhân, nội tâm. Người giỏi toán là có trí thông minh logic. Nhiều người không giỏi toán nhưng lại giỏi thứ khác. Không chỉ học giỏi toán mới là học sinh giỏi. Em nghĩ hai chị nên chú ý tới sở trường, sở thích riêng của từng cháu để có hướng bồi dưỡng. Còn môn toán thì các cháu chú ý học chắc ở trường là được, không nhất thiết phải học thêm cho phí tiền ạ - cô Minh bày tỏ.

Nghe cô Minh và anh Thắng phân tích, chị Thắm, chị Hảo cũng nghe ra vấn đề rồi chào ra về.

MINH ANH