Đừng giảm lãi cho vay kiểu “nhỏ giọt”
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:03, 16/09/2021
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục có xu hướng hạ thấp, trong khi đó lãi cho vay vẫn chưa giảm tương xứng. Thậm chí nhiều ngân hàng vừa qua đã thông báo mức lợi nhuận tương đối cao, trái ngược với tình trạng “hấp hối” của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước kêu gọi tất cả các ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất cho vay để chung tay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số tổ chức tín dụng có giảm, nhưng chưa phải tất cả. Ngoại trừ nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước, gồm Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank, 16 ngân hàng khác đã đồng thuận và cam kết tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cụ thể sẽ tùy thuộc từng nhóm khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên thực tế, thời gian qua các ngân hàng trên cả nước nói chung, tại Hải Dương nói riêng đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho khách hàng, song có những khoản vay chỉ giảm 0,1%/năm. Mức giảm lãi suất cho vay kiểu “nhỏ giọt” khiến nhiều khách hàng, nhất là doanh nghiệp “đuối sức”. Chưa kể, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn cao. Nếu như lãi suất huy động bình quân chỉ từ 3-5%/năm thì có những khoản vay vẫn treo lãi suất từ 9-10%/năm.
Ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp. Việc cân đối giữa chi phí và lợi nhuận là điều phải làm. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các biện pháp hỗ trợ khách hàng đã thực sự mang lại hiệu quả hay chỉ hỗ trợ chủ yếu về mặt tinh thần?
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù đây là biện pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, song cần có thêm nhiều chính sách khác. Mặc dù nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng song Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng công cụ giám sát việc thực hiện này. Hơn nữa, cần vào cuộc mạnh mẽ để đạt được sự đồng thuận trong việc giảm lãi suất của tất cả các ngân hàng, thay vì một nhóm ngân hàng như hiện tại. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét giảm các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu… nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp.
Về phía các ngân hàng, không thể phủ nhận những biện pháp hỗ trợ khách hàng trong thời gian qua. Tuy nhiên cần có chính sách phù hợp hơn, nhất là việc thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, từ đó đưa ra mức giảm lãi suất cho vay nhiều hơn hiện tại. Khi dịch bệnh diễn ra, có những nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp, song cũng có những nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng gián tiếp với mức độ không hề nhỏ. Nếu chỉ tập trung giảm lãi suất cho nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ dẫn đến tình trạng mất an toàn về tỷ lệ nợ xấu.
Tùy theo tiềm lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Đây là cách hỗ trợ thực chất, ý nghĩa với người vay vốn trong lúc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn và thu nhập giảm sút. Riêng những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn cần xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5 - 2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài. Đối với khoản vay lãi suất ưu đãi mới, cần cơ chế linh hoạt để các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế cộng biên độ lãi suất sau thời gian ưu đãi cần cân nhắc phù hợp.
NAM KHÁNH