Xem xét lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương

Xã hội - Ngày đăng : 10:17, 18/09/2021

Nhiều khả năng thời điểm áp dụng cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2022 sẽ khó thực hiện, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nguồn lực cho công tác này còn gặp khó khăn.


Nguồn lực cải cách tiền lương cũng là một trở lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang phải dùng nhiều khoản chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống lại dịch Covid-19

Tại cuộc họp ngày 17.9, Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.


Theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành năm 2018, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả theo vị trí việc làm. Lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực thực chất và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Cũng theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1.7.2020, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã không tăng theo lộ trình. Tháng 10.2020, tại Hội nghị Trung ương XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua đồng ý lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 1.7.2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.

Mới đây, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17.8 cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022, các đại biểu cho rằng, ngoài khó khăn bởi dịch Covid-19, công tác chuẩn bị cho cải cách tiền lương còn bất cập, trong đó có việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đáp ứng được nhu cầu tạo nguồn để cải cách.

Đặc biệt, nguồn lực cải cách tiền lương cũng là một trở lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang phải dùng nhiều khoản chi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chống lại dịch Covid-19. Đã có những ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần nghiên cứu tiếp tục áp dụng cơ cấu tiền lương cũ, sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, kinh tế được phục hồi sẽ tiến hành thực hiện cải cách.

Đơn cử như trong giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với nguồn cải cách tiền lương thực tế ở địa phương hiện còn khoảng 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Tuy nhiên, hiện đã có một số tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch, hoặc kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chống dịch Covid-19.

Có thể thấy, cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhưng quyết tâm cải cách tiền lương thời điểm hiện nay đứng trước những khó khăn lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang còn gặp quá nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo VOV