Cuộc hội ngộ đặc biệt của "Bà tôi"
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 11:15, 19/09/2021
Bà tôi Bà hành khất đến ngõ tôi KAO SƠN |
“Bà tôi” là một trong ba bài thơ đoạt giải A của Kao Sơn trong cuộc thi thơ lục bát toàn quốc do Tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 2002-2003. Bài thơ kể về cuộc gặp gỡ giữa hai bà cụ - hai hoàn cảnh, hai số phận khác nhau: một là chủ nhà - một là hành khất. Nhưng trong suốt bài thơ ta không hề thấy sự xót thương, ban ơn hay bố thí như vẫn thấy giữa chủ nhà với người ăn xin. Cũng không thấy hiện lên dáng vẻ tội nghiệp của kẻ ăn xin mà trái lại, ta được chứng kiến một cuộc hội ngộ giữa hai bà cụ như hai người đã từng là những người bạn thân thiết lâu ngày gặp lại.
Câu thơ mở đầu: “Bà hành khất đến ngõ tôi”, giới thiệu không gian, hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ. Hành khất, ăn xin, ăn mày, đều là những từ đồng nghĩa chỉ những người sa cơ, lỡ bước phải đi xin ăn nhờ vào sự bố thí của thiên hạ để duy trì sự sống. Ở đây, tác giả dùng từ hành khất (từ Hán Việt) một cách trang trọng đã phần nào hé mở cho người đọc thấy một lối ứng xử “đặc biệt” giữa "Bà tôi" và người ăn xin. Lối ứng xử ấy được cụ thể qua thái độ, hành động và tâm trạng của người bà: “Bà tôi cung cúc ra mời vào trong”. Từ cung cúc giúp người đọc hình dung dáng vẻ vội vàng, tận tuỵ, sốt sắng và cung kính trên mức bình thường. Bà đón người hành khất như đón một người bạn quý: “Lưng còng đỡ lấy lưng còng”. Chỉ bằng hai chữ lưng còng, biện pháp tu từ hoán dụ đã khắc họa chân dung già nua, nhọc nhằn có phần tội nghiệp của hai người bạn già. Từ "lưng còng" được lặp lại, kết hợp với động từ "đỡ", câu thơ đã tái hiện một hình ảnh đẹp đẽ, cảm động, ấm áp rất tình người giữa chủ nhà và người hành khất.
Câu thơ tiếp: “Thầm hai tiếng gậy tụng trong nắng chiều” là một câu thơ hay. Nó không chỉ cụ thể hóa dáng vẻ già nua tội nghiệp của hai bà cụ, mà qua từ "tụng" đã giúp ta hiểu hai tiếng gậy của hai bà cụ gõ vào buổi chiều như tiếng mõ đang tụng cho những kiếp người nghèo khó. Nhưng đó cũng chưa phải là điều tác giả muốn nói. Mà điều quan trọng nhất, cảm động nhất quán xuyến toàn bộ bài thơ chính là tấm lòng thảo thơm của người bà: “Nhà nghèo chẳng có bao nhiêu/Gạo còn hai ống chia đều, thảo thơm”. Hai ống gạo được chia đều, giá trị vật chất mà bà hành khất nhận được không có gì to tát, nhưng giá trị tinh thần lại vô cùng to lớn. Giá trị ấy đọng lại ở hành động chia đều thảo thơm của "Bà tôi". Đó là hành động đầy tính nhân bản. Bởi gia cảnh của "Bà tôi" cũng nghèo. Nhưng giúp người phải nghĩ đến ta, cho nên hành động chia đều hai ống gạo ít ỏi còn lại trong nhà là rất thực tế và hợp lý. Đó là biểu hiện của tấm lòng thơm thảo mang nét đẹp truyền thống “Thương người như thể thương thân”.
Nhưng tại sao "Bà tôi" lại có thái độ cư xử đầy tình người như vậy đối với bà hành khất? Hai câu thơ sau đã làm sáng tỏ điều này: “Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm/Bà ngồi dưới đất mắt buồn ngó xa”. Bà tôi không coi người hành khất là kẻ đến xin ăn mà coi là khách. Qua cách cư xử của bà, địa vị của người ăn xin bỗng chốc thay đổi từ kẻ hành khất trở thành khách và được đối đãi như khách quý. Khoảng cách giữa chủ nhà và người ăn xin, giữa người cho và kẻ nhận đã bị xóa nhòa.
Hình ảnh "Bà tôi" ý tứ: “Nhường khách ngồi chiếc chổi rơm”, còn chủ nhà thì “ngồi dưới đất” là hình ảnh rất tự nhiên, dân dã thường thấy ở thôn quê. Nó không chỉ bao hàm thái độ trọng khách, mà còn thể hiện sự chân thật giản dị, gần gũi, đồng cảm của người bà đối với khách - người hành khất. Câu thơ: “Bà ngồi dưới đất mắt buồn ngó xa” đầy ám ảnh, gợi nhắc về những kiếp nghèo, những số phận không may mắn, hay một quá khứ buồn đau?
Hai câu kết của bài thơ đã đưa người đọc trở lại một không gian làng quê thân thuộc vào một buổi chiều: “Lá tre rụng xuống sân nhà/ Thoảng hương nụ vối... chiều qua… cùng chiều”. Không gian chở nặng hồn quê ấy như một bản nhạc chiều dịu nhẹ, ngân rung, lắng đọng mãi trong lòng người đọc, làm thành một ẩn dụ đẹp đẽ, thân thương của tình quê, tình người.
Bài thơ được viết bằng thể thơ lục bát và đã đạt đến độ tương đối hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Giống như nhiều bài thơ khác của Kao Sơn, “Bà tôi” mang dáng dấp một câu chuyện kể có nhân vật, có tình tiết, có kết cấu… Dưới điểm nhìn của nhân vật “tôi”- người chứng kiến toàn bộ câu chuyện, tác giả kể lại cuộc hạnh ngộ giữa người bà của mình và người hành khất, qua đó làm toát lên thái độ ứng xử cảm động chan chứa tình người của người bà đối với người ăn xin. Đó là nét đẹp tinh thần rất cần được trân trọng, nâng niu, gìn giữ và nhân lên trong cuộc sống đời thường.
NGUYỄN THỊ BÌNH