Quý bà triệu phú cứu mạng cả trăm người khỏi phát xít Đức

Tư liệu - Ngày đăng : 18:46, 19/09/2021

Murial Gardiner có thể là một trong những người có cuộc đời ly kỳ nhất mà người ta từng biết.


Gardiner thời trẻ. Ảnh: Dailymail

Bà sinh ra ở Chicago, Mỹ năm 1901, là người thừa kế của một gia đình giàu có làm trong ngành đóng gói thịt, nhưng cuộc đời của bà không phải là những ngày an nhàn khoác khăn choàng lông thú đắt tiền dạo chơi bất kỳ nơi nào. Thay vì cuộc sống giàu sang đó, bà đã trở thành một chiến sĩ kháng chiến bí mật, chống chế độ của Đức Quốc xã ở Vienna, Áo.

Sinh ra trong cảnh nhung lụa, là người thừa kế công ty đóng gói thịt Morris & Company và Swift & Company của bố mẹ nhưng khi còn trẻ, bà ghét khối tài sản của gia đình, cho rằng đó là điều bất công. Tuy nhiên, về sau, Gardiner nhận ra rằng tài sản này có thể giúp bà làm nhiều việc giúp đỡ người khác. 

Gardiner có bằng tại một trường đại học nghệ thuật tự do gần Boston, sau đó bà tới Rome, Italy giảng dạy. Bà tiếp tục nghiên cứu tại Oxford rồi tới Vienna để học ngành phân tích tâm lý.

Chú thích ảnh

Gardiner trong những năm 1920. Ảnh: Standard

Gardiner tới Vienna vào những năm 1930, khi Adolf Hitler vừa lên nắm quyền. Bà muốn tìm gặp nhà tâm lý, bác sĩ thần kinh người Do Thái Sigmund Freud. Bà từng kể: "Khi tới Vienna vào một chiều tháng 5, khi đường phố và công viên ngập hương hoa tử đinh hương, tôi ngay lập tức ngồi xuống và viết thư cho ông Freud, đề nghị ông nhận tôi làm bệnh nhân".

Bà muốn ông trực tiếp phân tích tâm lý mình, nhưng lại gặp một đồng nghiệp của ông Freud. Trong cuộc gặp đó, bà chỉ gặp ông Freud đúng một lần khi ông mời bà uống trà. Tuy nhiên, ông đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời và sự nghiệp của bà. Bà cũng có tình bạn lâu bền với con gái ông, nhà tâm lý học trẻ em Anna Freud.

Khi ở Vienna, Gardiner bắt đầu học y khoa, có cuộc hôn nhân ngắn ngủi thất bại với nhạc sĩ người Anh Julian Gardiner và có một cô con gái tên Connie. Trước khi bà gặp người chồng thứ hai là nhà xã hội học Joseph Buttinger – thủ lĩnh phong trào xã hội Cách mạng Áo, bà đã có mối quan hệ với nhà thơ Stephen Spender.

Khi chồng bà là Buttinger chạy tới Paris lưu vong và tiếp tục phản đối chế độ mới, bà vẫn ở Vienna tiếp tục giúp những người chống phát xít chạy khỏi Áo.

Bà đã xoay sở làm hộ chiếu giả và tuồn tiền vào để giúp mọi người trốn thoát khỏi Đức Quốc xã. Bà còn lấy nhà của mình ở Vienna để làm nơi trú ẩn an toàn cho mọi người. Có một lần, bà đã thoát khỏi cảnh nguy hiểm trong gang tấc ở Áo khi lên tàu hỏa và mang theo 5 cuốn hộ chiếu giấu trong người và sắp bị lục soát.

Sau đó, bà tới Pháp và khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939, bà và chồng đã kịp bắt chuyến tàu đi Mỹ cuối cùng rời khỏi Pháp trước khi rơi vào tay lực lượng của Hitler.

Chú thích ảnh

Bảo tàng Freud. Ảnh: Dailymail

Khi về Mỹ, người phụ nữ dũng cảm này đã làm việc không mệt mỏi để đưa càng nhiều người tị nạn Đức và Áo về Mỹ càng tốt khi các hoạt động chống phát xít phát triển mạnh.

Giờ đây, dù ở cách xa hàng nghìn dặm, Gardiner đã dùng tài sản của gia đình để giúp đỡ những người xa lạ. Bà mua và gửi đồ ăn cho những người khó khăn ở châu Âu. 

Gardiner cũng hoạt động trong lĩnh vực phân tích tâm lý và xuất bản vài cuốn sách. Gần cuối đời, bà đã hỗ trợ thành lập Bảo tàng Freud. Tổ chức từ thiện mà bà thành lập New-Land Foundation đã hỗ trợ tài chính cho dự án.

Năm 1977, có một bộ phim tên Julia đã khiến bà Gardiner chú ý. Phim dựa trên một chương của cuốn sách Pentimento của tác giả Lilian Hellman. Diễn viên Vanessa Redgrave đã giành giải Oscar nhờ đóng vai một phụ nữ chống phát xít Đức. Gardiner thấy nhân vật trong bộ phim giống cuộc đời bà đến khó tin dù Hellman luôn khẳng định sách của mình là hư cấu và chưa từng gặp Gardiner. Tuy nhiên, họ có một người bạn chung là luật sư Wolf Schwabacher – người biết về cuộc đời kháng chiến chống phát xít của Gardiner.

Chú thích ảnh

Bà Gardiner về già. Ảnh: Dailymail

Sự cố này đã khuyến khích bà Gardiner viết hồi ký về cuộc đời chính mình có tên Mật danh Mary. Cuốn sách sẽ được xuất bản lại nhân cuộc triển lãm về cuộc đời bà tại Bảo tàng Freud sắp tới. Về nhân vật giống bà Gardiner trong bộ phim Julia, biên tập viên cuốn hồi ký của bà Gardiner khẳng định: không thể nào lại có hai phụ nữ Mỹ cùng là triệu phú, cùng nghiên cứu y khoa và cùng là nhà hoạt động chống phát xít ở Vienna vào những năm 1930.

Gardiner qua đời vì ung thư phổi năm 1985 và di sản của bà đã được công nhận ở Áo. Có một con phố ở Vienna được đặt theo tên bà.

Carol Siegel, Giám đốc Bảo tàng Freud, nhận xét về bà Gardiner: “Bà ấy là người độc nhất vô nhị. Một phụ nữ trẻ giàu có quan tâm sâu sắc tới những gì đang diễn ra về mặt xã hội và chính trị… Có nhiều mặt khác nhau trong cuộc đời của bà nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất thực sự là cuộc đấu tranh chống phát xít những năm 1930 và trở thành một thành viên kháng chiến”.

Theo báo Tin tức