[Video] Tò he một thuở
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:01, 20/09/2021
Năm nào, ông Phạm Văn Năm cũng làm to he để tạo niềm vui cho các cháu dịp Tết Trung thu
Vang bóng
“Tò he mỗi cái một đồng/ Em mua một cái cho chồng em chơi”...
Vừa bỏm bẻm nhai trầu, cụ Nguyễn Thị Được đã ngoài 80 tuổi ở xóm Vàng, thôn Hoàng Dương vừa ngâm nga câu hát. Cụ kể, chẳng biết nghề tò he ở đây có từ bao giờ nhưng ngày cụ lấy chồng về làng đã thấy người dân làm nghề này. Cứ gần đến dịp Tết Trung thu cả làng lại như ngày hội. Người ngâm gạo, người đồ bột, người pha màu, người nặn con giống. Trẻ con tíu tít khắp các xóm, chạy từ nhà này sang nhà kia để xem nặn tò he. Thời ấy, nặn tò he trở thành nghề chính của nhiều gia đình.
Các hộ thường chọn gạo VN10, Q5, Q4 để làm tò he
Hơn chục năm về trước, người làng Hoàng Dương làm tò he quanh năm. Lúc cao điểm cả thôn có tới 300 hộ làm nghề. Những con tò he được người dân trong làng xuôi ngược đem đi bán nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Ngày đó, tò he là món đồ chơi được nhiều trẻ yêu thích nên làm ra đến đâu bán hết đến đó. Có nhà còn được người giàu ở thành phố mời về tận nhà để nặn tò he cho con cháu chơi.
Để làm tò hè buộc phải giã gạo thủ công để bột có được độ mịn nhất định
Ông Phạm Văn Năm, một trong số ít người duy trì nghề truyền thống này cho biết quá trình làm tò he khá phức tạp, trải qua nhiều công đoạn. Trước hết chọn gạo phải trắng, sạch thì mới có bột mịn. Gạo được ngâm trong 8 tiếng để ráo nước, sau đó mới cho vào cối giã. Toàn bộ quy trình giã bột phải làm thủ công thì mới giữ được độ mịn. Sau đó bột được đưa vào chõ đồ như hấp xôi. Đồ bột cũng phải cẩn trọng vì nếu quá lửa bột nhão sẽ không làm được.
Bột gạo đồ xong sẽ được nhào nặn nhiều lần và trộn phẩm tạo ra các màu cơ bản như xanh, đỏ, tím, vàng làm tò he
Khâu quan trọng nhất và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ là trộn màu và nặn tò he. Người có kinh nghiệm sẽ tạo ra được những con tò he sinh động, đẹp mắt, hài hòa màu sắc và nhất là độ mỏng của các chi tiết vừa phải.
“Sự khác biệt lớn nhất của tò he Hoàng Dương so với nhiều nơi khác là quy trình sau cùng. To he sau khi tạo hình xong được đem đi hấp chín. Đây là bí quyết để tò he Hoàng Dương có thể chơi được cả năm mà không bị mốc, bột không bị nứt, hình dáng, màu sắc vẫn nguyên vẹn. Điều khác biệt nữa là tò he Hoàng Dương được làm rỗng và có thể tự đứng được bằng chân chứ không phải cắm que như nhiều nơi vẫn làm”, ông Năm khoe.
Trung thu năm nay cả thôn Hoàng Dương có hơn 10 hộ làm tò he
Trăn trở giữ nghề
Nghề làm tò he có từ lâu đời nhưng đến nay cả làng Hoàng Dương chỉ còn hơn chục hộ giữ nghề. Đây là trăn trở của ông Năm cũng như nhiều người còn tâm huyết với nghề. Bà Phạm Thị Mận ở thôn Hoàng Dương làm tò he từ năm lên 10 tuổi, đến nay đã hơn 30 năm làm nghề thở dài nói: “Chúng tôi giữ nghề cho vui tuổi già chứ lớp trẻ còn ai theo nghề này đâu. Chúng đi làm công ty hết rồi”.
Người dân nơi đây có thể nặn ra nhiều hình thù, nhưng chủ yếu là hình 12 con giáp và hoa quả
Trước sự cạnh tranh của các đồ chơi hiện đại, tò he làng Hoàng Dương đã không còn xuất hiện thường xuyên ở các chợ trong và ngoài tỉnh như nhiều năm trước. Trẻ nhỏ muốn chơi tò he phải đợi đến Tết Trung thu.
Tò he hình con ngựa
“Làm tò he đòi hỏi nhiều công đoạn và tỉ mỉ. Gần đến Tết Trung thu tôi phải huy động cả gia đình cùng làm. To he làm ra cũng chỉ bán được từ 5.000-10.000/con. Vì muốn giữ nghề của cha ông và cho các cháu biết thêm về một món đồ chơi Trung thu truyền thống nên tôi mới duy trì làm”, ông Năm nói.
Trẻ em rất thích thú với các con tò he
Để giữ nghề truyền thống, xã An Lâm đã xây dựng sơ đồ các hộ làm nghề trong thôn, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm bảo tồn nghề làm tò he nhưng gặp không ít khó khăn. Do thu nhập thấp nên còn rất ít người gắn bó với nghề.
“Xã luôn tạo điều kiện, động viên các gia đình cùng tham gia bảo tồn và gìn giữ nghề làm tò he. Hy vọng một ngày nào đó nghề này phát triển trở lại”, anh Vũ Huy Chiển, cán bộ văn hóa xã An Lâm cho biết.
LAN ANH
Xem clip