Vì sao điểm chuẩn sư phạm tăng "lạ"?
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 12:01, 20/09/2021
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết năm 2021 có tới 64 ngành của các trường sư phạm tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020.
Nhiều ngành tăng chóng mặt
Tăng cao nhất, cũng gây ngạc nhiên nhất, là ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao của Đại hocj Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Cũng ở trường này, ngành sư phạm lịch sử chất lượng cao lấy điểm chuẩn rất cao, tới 29,75. Các ngành đào tạo sư phạm thuộc chương trình chuẩn, điểm trúng tuyển từ 18 đến 27,75. Ngành sư phạm công nghệ của Đại học Sư phạm 2 cũng có điểm chuẩn là 32,5/40 - tăng tới 7,5 điểm so với năm 2020.
Trong khi đó, Đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy điểm chuẩn vào trường cao không kém các trường kinh tế đang "hot" nhất. Theo thông báo của trường, điểm trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; thí sinh muốn vào các ngành sư phạm toán (dạy bằng tiếng Anh) và giáo dục chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,25. Với mức điểm này, thí sinh dù đạt điểm 2 môn 9 và 1 môn 10 vẫn nằm ngoài cuộc đua.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm của Đại học Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).
Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức điểm chuẩn thấp hơn một chút, nhưng cũng ở 27,6 đối với ngành sư phạm tiểu học; 25,65 đối với sư phạm toán và khoa học tự nhiên; 25,55 đối với sư phạm ngữ văn, lịch sử và địa lý. Ngay cả một ngành tưởng như khó tuyển sinh vì đầu ra khó, lương thấp, công việc vất vả là sư phạm mầm non cũng có điểm chuẩn lên tới 25,05.
Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 22,05 đến 27,15 tùy ngành. ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho biết so với năm 2020, điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng từ gần 1 điểm đến 4 điểm; có thể chia 2 nhóm: nhóm 1 tăng chưa tới 1 điểm, với những ngành vốn có điểm chuẩn đã cao ở các năm trước như sư phạm toán, hóa, văn, Anh…; nhóm 2 là các ngành còn lại, tăng tới 4 điểm.
Hai ngành mới tuyển sinh trong 2 năm gần đây là sư phạm khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý cũng có mức tăng đáng kể.
Tại Đại học Sài Gòn, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng từ 0,5 đến 2 điểm so với năm ngoái.
Thu hút hơn do các chính sách ưu đãi
Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cần được nhìn nhận là tăng trên mặt bằng chung hay những chính sách cho sinh viên sư phạm đã thu hút được học sinh giỏi?
Theo ông Hoàng Văn Thi, Hiệu trưởng Đại hocj Hồng Đức, điểm chuẩn của trường tăng do số lượng thí sinh đăng ký nhiều. Mỗi ngành đào tạo chương trình chất lượng cao của Đại học Hồng Đức chỉ tuyển 15 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo theo chương trình chất lượng cao thì có những điểm ưu việt hơn, chất lượng tốt hơn nên ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn.
ThS Lê Phan Quốc cho biết các yếu tố làm tăng điểm chuẩn trong năm nay có thể kể đến là do điểm thi của thí sinh tăng so với năm 2020; chỉ tiêu các ngành ít hơn. Với sư phạm khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý, đây là 2 ngành đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới nên được nhiều thí sinh lựa chọn.
Một chuyên gia của Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải bên cạnh đề dễ, phổ điểm đẹp, một lý do quan trọng khiến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng là năm nay sinh viên sư phạm được miễn học phí, ngoài ra còn được cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng. Chính sách ưu đãi này đã thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế nhiều gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Từ khóa tuyển sinh năm 2021, sinh viên nhóm ngành đào tạo giáo viên không những được miễn học phí mà còn được cấp sinh hoạt phí. Ngoài ra, sinh viên còn được sắp xếp công việc sau khi tốt nghiệp.
Tín hiệu tốt đối với đào tạo giáo viên ThS Lê Phan Quốc nhận định hiện chưa rõ những chính sách trên đã tác động đến thí sinh trong việc chọn ngành sư phạm, cần phải khảo sát để rõ thêm. |
Theo Người lao động