Không được xem nhẹ thiên tai

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 21/09/2021

Đã lâu Hải Dương chưa phải hứng chịu một cơn bão mạnh hay trận lũ lớn. Bởi vậy có tình trạng một số cá nhân, đơn vị chủ quan, lơ là, thậm chí xem nhẹ thiên tai.

Thế nhưng thiên tai rất khó lường, nó luôn là một ẩn số và có thể xuất hiện vào những thời điểm không ngờ nhất.

Ngày trước, người dân nhất là nông dân sợ nhất thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 10 trong năm vì đây là lúc mưa bão hoành hành. Biết sợ nên việc chủ động chuẩn bị phòng chống để giảm nhẹ rủi ro cũng chủ động và kịp thời hơn. Mối lo bão lũ luôn thường trực nên ai cũng cảnh giác, đề phòng. Xã hội phát triển, kinh tế đi lên, việc ngăn sông xây đập thủy điện cản lũ trở nên phổ biến. Phần vì bớt nguy cơ lũ lớn, phần lại đặt nặng phát triển kinh tế hơn không ít người xem nhẹ công tác phòng chống thiên tai.

Tại Hải Dương, nếu như trước đây khi vào mùa mưa bão mọi hoạt động khai thác tài nguyên lòng sông hay sản xuất trên bãi sông đều cơ bản tạm dừng thì hiện tại vấn đề này trở nên nhức nhối. Hành lang thoát lũ không những không được giải tỏa mà còn bị lấp đầy hơn ở nhiều nơi bởi các bãi cát, bãi than… cao quá mặt đê. Chủ cơ sở vin vào lý do phục vụ sản xuất, kinh doanh không thể gián đoạn, trong khi ít xảy ra bão lũ hoặc nếu có thì ảnh hưởng không đáng kể nên phớt lờ quy định.

Còn nhớ vào tháng 10.2017, khi mùa mưa bão sắp kết thúc, nông dân phấn khởi khi lúa được mùa, rau màu vụ đông sớm đang gieo trồng thuận lợi thì xảy ra mưa lớn dồn dập. Các khu vực trong tỉnh ngoài chịu ảnh hưởng của mưa lớn còn phải đối phó với nước lũ lên cao bởi các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ. Nông dân đang từ được mùa thành mất mùa vì diễn biến mưa lũ quá nhanh, không xoay xở kịp. Và mới năm trước thôi, các tỉnh, thành phố miền Trung cũng phải gồng mình ứng phó với bão lũ. Những mất mát về tài sản vật chất có thể thống kê, kiểm đếm và khôi phục dần nhưng những đau đớn, tổn thương về tinh thần do mất người thân thì khó có thể nguôi ngoai.

Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, hiện nay mưa bão ít hơn trước nhưng khi xảy ra thì lại bất thường, nguy hiểm và khó lường. Biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai không còn theo quy luật thông thường, khiến việc dự báo khó khăn, phức tạp hơn. Không chỉ bão lũ mà các loại hình thiên tai khác cũng cực đoan và bất ổn hơn. Thiên tai ảnh hưởng trực tiếp, trước mắt có thể khắc phục, ứng cứu kịp thời còn những thay đổi dần dần, từ từ nếu như không có những tính toán phù hợp thì sẽ gặm nhấm, bào mòn rồi sẽ bất ngờ làm sụp đổ cả hệ sinh thái. Ngay tại Hải Dương cũng đã chứng kiến những dị thường của thời tiết như nhiều vụ đông ấm, mùa xuân không có mưa phùn hay mùa hè nóng gay gắt, mưa lớn lại chuyển sang thu… Những biến đổi này đã âm thầm tác động tới sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người.

Thiên tai không chừa một ai nên không có ai có thể đứng ngoài cuộc chiến với thiên tai, nhất là khi cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng đang căng mình phòng chống dịch Covid-19. Nếu không ở trạng thái sẵn sàng, không phòng bị kỹ lưỡng thì rất có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với "thảm họa kép". Cuộc chiến với dịch bệnh sẽ có ngày kết thúc nhưng trận chiến với thiên tai sẽ dai dẳng, trường kỳ. Vì thế, từ người dân đến các tổ chức, đoàn thể không được chủ quan, xem nhẹ hay chỉ hô hào phong trào mà phải có hành động, việc làm cụ thể. Khi thiên tai chưa xảy ra thì có giải pháp phòng ngừa làm giảm nhẹ thiên tai, còn khi đã xuất hiện thì phải chủ động, kịp thời để hạn chế thiệt hại.

HOÀNG LINH