Những sự thật bất ngờ về mặt trăng
Khám phá - Ngày đăng : 15:36, 21/09/2021
Đã hơn 50 năm kể từ lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không ngừng khám phá những bí mật trên vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong hệ mặt trời này.
Phi hành gia Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào ngày 20.7.1969. Trong ảnh: Dấu giày đầu tiên của con người trên bề mặt mặt trăng.
Mặc dù một số hợp chất hữu cơ phi sinh học đã được tìm thấy trên mặt trăng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có vi sinh vật nào được tìm thấy để chứng minh khả năng tồn tại sự sống trên vệ tinh tự nhiên này.
Tuổi thọ của mặt trăng. Theo lý thuyết, một vật thể lớn (hoặc một số vật thể) đã va vào Trái Đất và mặt trăng là một trong những mảnh vỡ của vụ va chạm đó. Những tảng đá trên mặt trăng được các phi hành gia mang về Trái Đất giúp xác định rằng mặt trăng được tạo ra vào khoảng 4,5 tỷ năm trước.
Mặt trăng không phải là một vật thể nguyên thủy. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), mặt trăng là "một hành tinh đã tiến hóa", nó có sự phân vùng bên trong tương tự như Trái Đất, với một lớp vỏ dày và một phần chất lỏng ở sâu bên trong.
Năm 2009, dữ liệu từ tàu trinh sát quỹ đạo mặt trăng của NASA xác nhận rằng có nước trên mặt trăng. Năm 2020, Đài quan sát thiên văn hồng ngoại trên tầng bình lưu (SOFIA) đã tìm thấy thêm bằng chứng về nước trên mặt trăng, lần này là ở phía có ánh sáng Mặt Trời.
Mặt trăng rung chuyển rất nhiều. Các máy đo địa chấn được đặt trên bề mặt của mặt trăng để theo dõi hoạt động địa chấn. Kết quả cho thấy những trận "động trăng" (moonquakes) thường xuyên xảy ra. Không giống như những trận động đất kéo dài trung bình trong 30 giây trên Trái Đất, các trận động trăng có thể kéo dài tới 10 phút.
Mặt trăng đang co lại. Sau khi phân tích dữ liệu về các trận động trăng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một phần hoạt động địa chấn của nó bắt nguồn từ sự co lại của lớp vỏ mặt trăng do dưới tác dụng của nhiệt độ trong lòng lạnh đi. Điều này đã làm mặt trăng co lại khoảng 45m trong vài trăm triệu năm qua.
Bề mặt của mặt trăng là chất rắn. Sau khi phân tích các mẫu vật tìm thấy trên mặt trăng, các nhà nghiên cứu xác định rằng bề mặt của mặt trăng được tạo thành từ hỗn hợp bụi và đá.
Đá trên mặt trăng được hình thành ở nhiệt độ cao và không có nước. Có 3 loại đá chủ yếu trên mặt trăng là đá bazan, đá anorthosites và đá thạch anh. Tất cả đều được hình thành mà không có nước, không giống như một số loại đá trên Trái Đất như đá vôi.
Mặt trăng có thể giúp ước tính tuổi của các hành tinh khác. Do mặt trăng có lớp vỏ được bảo vệ tốt nên nó cho phép nghiên cứu độ tuổi của các bề mặt khác nhau và có thể sử dụng dữ liệu để ước tính tuổi của các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.
Đá cổ nhất của Trái Đất vẫn có tuổi thọ ít hơn đá trẻ nhất của mặt trăng. Bề mặt của mặt trăng không bị ảnh hưởng bởi nhiều hiện tượng địa chất như Trái Đất, điều này cho phép các loại đá được bảo tồn mà không bị tác động. Một số loại đá trên mặt trăng có tuổi thọ gần 4,6 tỷ năm.
Mặt trăng không hoàn toàn tròn. Trên thực tế, mặt trăng không đối xứng. Khi nhìn bằng mắt thường, mặt trăng có vẻ đẹp tròn trịa, nhưng thực ra nó không hoàn toàn như vậy. Lực hấp dẫn của Trái Đất có thể là nguyên nhân gây ra sự không đối xứng của mặt trăng.
Vào khoảng 4,4-4,6 tỷ năm trước, mặt trăng từng bị bao phủ bởi dung nham.
Mặt trăng ngày càng xa Trái Đất. Mặt trăng đang di chuyển cách xa Trái Đất với vận tốc khoảng 3,81cm/năm.
Theo VOV