Phát triển kinh tế số - đòn bẩy cho sự phục hồi bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19
Kinh tế - Ngày đăng : 19:15, 21/09/2021
Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Dân trí
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.
Kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh
Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác Kinh tế số của Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet”. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng...
Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong thời gian qua, kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số).
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực (cùng với Indonesia) với tốc độ tăng trưởng trung bình 27% trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2020, trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vẫn đạt mức dương 16% - cao nhất khu vực ASEAN.
Quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỷ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam, đã góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C tăng trưởng giai đoạn 2015-2019 luôn ở hai con số với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn là 25,4%, quy mô doanh thu năm 2019 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015.
Trong những năm gần đây, đã có nhiều mô hình kinh tế số rất phát triển tại Việt Nam với nhiều ứng dụng có thể cài trên điện thoại thông minh, giúp người sử dụng có thể gọi xe, giao-nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình… thậm chí người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tại nhà.
Việt Nam đã phát triển nhiều phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học... Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp đó là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường. Mạng lưới 5G của Việt Nam cũng đang thử nghiệm, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021. Tại Việt Nam, mức giá cước dịch vụ internet vừa phải, cước dịch vụ internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cùng với thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không dùng tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số cũng như quá trình thực hiện Chính phủ điện tử được triển khai nhanh và quyết liệt hơn.
Đặc biệt, bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 đã phần nào thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn về cả hạ tầng lẫn viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Các giao dịch mua bán hàng hóa online và thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong những đợt dịch bùng phát, từ đó hình thành nên một thói quen mới cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Quý I.2021, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng 146%...
Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP
Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Từ năm 2009, Việt Nam đã ban hành Luật Công nghệ cao; năm 2010, ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; tháng 9.2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP...
Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26.5.2016 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4.5.2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số.
Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý có những bước tiến nhất định với nhiều bộ luật, như Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật Tần số vô tuyến điện (2009), Luật An ninh mạng (2018)…
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vươn lên.
Cùng với đó, Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, có số người dùng internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những thị trường hấp dẫn cho kinh tế số.
Việt Nam còn nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Đặc biệt, COVID-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; những vấn đề về mặt pháp lý, an ninh mạng và việc bảo đảm quyền riêng tư của người dùng. Ngoài ra, nhận thức, thói quen và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số.
Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố cuối tháng 5.2019 cho thấy có tới 85% doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn nằm ngoài nền kinh tế số, chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu.
Văn kiện Đại hội XIII xác định đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP. Để đạt mục tiêu trên, văn kiện đã nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số, với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Theo TTXVN