Xã Quang Khải phân loại, xử lý rác thải tại gia đình
Xã hội - Ngày đăng : 09:14, 22/09/2021
Hố chứa rác thải hữu cơ của một gia đình ở thôn Tân Quang tham gia mô hình phân loại, xử lý rác thải
Mô hình trên được triển khai thí điểm tại 39 hộ ở thôn Tân Quang từ tháng 1.2021. Mỗi gia đình xây một hố đựng rác thải hữu cơ tại vị trí phù hợp. UBND huyện hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác, đồng thời hỗ trợ 2 gói chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ, 1 nắp đậy hố đựng rác với tổng trị giá 330.000 đồng cho các hộ tham gia.
Gia đình anh Vũ Văn Tuyển là một trong 39 hộ tham gia mô hình. Trước đây, gia đình anh thường cho tất cả các loại rác thải từ túi nilon, chai bia, vỏ nhựa, lá rau… vào bao tải rồi để ngoài cổng đợi người đến thu gom, vận chuyển ra bãi rác của thôn. Nhiều lúc rác không được thu gom kịp thời, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy. Từ khi tham gia mô hình, những loại rau dư thừa, hoa quả thối hỏng, canh cặn… được gia đình anh phân loại đổ ra hố đựng rác ở góc vườn. Rác thải rắn thì được gom riêng vào bao tải. “Hố rác thải hữu cơ không hề có mùi vì mỗi lần đổ rác là tôi lại vẩy chế phẩm sinh học. Mô hình này rất phù hợp, góp phần làm cho nông thôn thêm văn minh, sạch đẹp hơn”, anh Tuyển chia sẻ.
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Tứ Kỳ Nguyễn Văn Khuông cho biết qua kiểm tra cho thấy mặc dù đã qua 9 tháng triển khai nhưng các hố đựng rác hữu cơ của các gia đình vẫn chưa đầy. Nhờ được xử lý bằng chế phẩm nên hố rác không có mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường. Lượng rác thải rắn tại các hộ tham gia mô hình vận chuyển ra bãi rác giảm ít nhất 50%. Qua phân loại, người dân đã tận dụng được nhiều loại rác dùng để tái chế.
Ngày 17.8, kiểm tra mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình ở xã Quang Khải, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận kết quả đạt được và khuyến khích nhân rộng để bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng chí yêu cầu địa phương và các ngành chức năng đánh giá hiệu quả và nghiên cứu cơ chế phù hợp khuyến khích các hộ có điều kiện kinh tế làm trước. Hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương để nhân rộng mô hình. Nếu có hiệu quả cao thì đề xuất nhân rộng thực hiện trên quy mô lớn hơn.
Dù là một xã nhỏ chỉ hơn 2.000 hộ nhưng mỗi ngày người dân ở xã Quang Khải cũng thải ra môi trường từ 4-5 tấn rác. Toàn xã có 3 bãi rác ở 3 thôn nhưng bãi rác ở thôn Nhũ Tỉnh đã phải đóng cửa vì quá đầy, bãi rác ở thôn Tân Quang cũng chuẩn bị rơi vào tình trạng tương tự. Do đó, việc nhân rộng mô hình trên được các cấp, các ngành trong huyện đánh giá là cần thiết và phù hợp, góp phần giảm áp lực cho các bãi chứa rác.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Quang Khải cho biết đã triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình ra quy mô toàn xã.
BÌNH MINH