14 "chiêu" du lịch tiết kiệm của cô gái Việt từng đi 7 quốc gia với "0 đồng"
Kinh nghiệm - Ngày đăng : 16:20, 23/09/2021
Tâm vừa đi du lịch vừa làm việc online
Tháng 7.2019, sau khi tốt nghiệp đại học ở TP Hồ Chí Minh, Thanh Tâm quyết định đi khám phá một số quốc gia châu Á.
Với vỏn vẹn 16 triệu đồng, Tâm đã đi qua 7 quốc gia: Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Sri Lanka và Ấn Độ trong 8 tháng. Tâm gọi hành trình của mình là “tour du lịch 0 đồng”.
Thanh Tâm đã chia sẻ 14 bí quyết để đi du lịch tiết kiệm mà cô nàng đúc kết được sau 5 năm trải nghiệm.
1. Du lịch kết hợp tình nguyện – hình thức du lịch tiết kiệm hiệu quả nhất
Năm 2019, với số tiền không lớn, để có thể trải nghiệm được nhiều nơi, Tâm tìm hiểu và quyết định lựa chọn hình thức du lịch Workaway - mô hình tình nguyện quốc tế kết nối chủ nhà và tình nguyện viên với mục đích làm việc và trao đổi văn hóa.
Trong thời gian đó, Tâm làm các công việc như dạy tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa; dọn dẹp phòng; chăm sóc cây vườn; dẫn tour du lịch... 4-5 tiếng/ngày để đổi lại chi phí ăn, ở.
Tâm cho biết: "Du lịch tình nguyện bao gồm nhiều hình thức khác nhau. Đối với các chương trình được tổ chức bởi chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, bạn không cần phải bỏ chi phí (hoặc nếu có thì rất ít) để tham gia. Đối với các chương trình kết nối với chủ nhà như Tâm tham gia thì du khách phải tự chi trả chi phí visa, vé máy bay."
2. Du lịch mùa thấp điểm: vừa tiết kiệm, vừa chẳng lo chen chúc
Vào những dịp cao điểm như lễ, Tết..., chi phí vé máy bay, khách sạn và ăn uống bị "đội" lên rất cao, thậm chí là cháy phòng. Du khách còn phải chen chúc trong biển người, khó có thể thư giãn hay có những bức ảnh sống ảo như ý. Do đó, theo kinh nghiệm của Tâm, du lịch vào thời gian thấp điểm sẽ giúp tiết kiệm tiền mà lại có trải nghiệm tốt hơn.
Trong trường hợp bạn làm việc văn phòng và thời gian không linh động thì nên đặt vé sớm, kết hợp cùng những tips săn vé rẻ.
3. Vừa du lịch vừa làm việc online
Nhiều bạn trẻ, trong đó có Thanh Tâm đang lựa chọn vừa du lịch vừa làm việc online. Họ có thể làm việc tự do ngắn hạn cho các dự án (biên dịch, thiết kế, quản lý mạng xã hội, lập trình viên...); làm việc từ xa cho một doanh nghiệp nhất định; kinh doanh sản phẩm online (làm blog du lịch, website tour du lịch, kênh Youtube, khóa học online, shop online, kênh podcast…).
"Tất nhiên, mỗi cách làm việc có ưu điểm, nhược điểm riêng. Để cân bằng giữa công việc và du lịch, bạn phải có một lịch trình cụ thể cũng như đặt ra nguyên tắc và dealine cho bản thân", Tâm chia sẻ.
4. Ở homestay/hostel
Thay vì ở resort hay khách sạn sang chảnh, việc ở homestay/hostel sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều. Bản thân Tâm là một người năng động, thích nói chuyện, do vậy hostel là một nơi lý tưởng cho cô để gặp gỡ, kết bạn với những bạn nước ngoài khác. Nhờ vậy, Tâm còn tìm được những người bạn đồng hành thú vị.
Thông thường, giá phòng của những homestay/hostel dao động từ 100.000 đến 300.000 đồng và có thể bao gồm ăn sáng. "Bạn có thể đặt phòng qua Booking hoặc Agoda", Tâm chia sẻ.
5. Sử dụng Couchsurfing
Couchsurfing là mạng xã hội toàn cầu cho phép bạn được ở nhờ nhà người khác miễn phí. Không những không tốn tiền mà bạn còn được dẫn đi tham quan, kết bạn mới, ăn uống rẻ, thỉnh thoảng chủ nhà còn nấu ăn đãi bạn nữa.
Nhưng hình thức này cũng gắn liền với nhiều rủi ro: có thể bị hủy kèo, bị lừa tiền, bị quấy rồi. Vì vậy hãy cân nhắc và tìm hiểu kĩ nhé.
6. Đặt vé máy bay thông minh
Theo Tâm, nếu có lịch trinh du lịch trước vài tháng, bạn nên đặt vé máy bay sớm. Còn nếu chuyến đi đến bất ngờ hơn thì Tâm thường đặt vé vào bay vào giữa tuần (thứ 3, 4). Thường thì thời điểm này rẻ hơn các ngày còn lại.
Ngoài việc lựa chọn ngày bay thì giờ bay cũng ảnh hưởng đến giá vé. Các chuyến bay khởi hành vào ban đêm hoặc sáng sớm là những chuyến bay rẻ nhất trong ngày. Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải thức dậy sớm hoặc ngủ ở sân bay.
Một mẹo nhỏ mà Tâm áp dụng khi bay nối chuyến đó là luôn so sánh giá của chặng bay nối chuyến mà website đưa ra và 2 chuyến bay riêng biệt.
7. Chia sẻ – hình thức du lịch tiết kiệm lý tưởng
Nếu bạn du lịch một mình, bạn có thể chia tiền taxi hay tiền tour với những bạn khác. Như vậy bạn sẽ tiết kiệm một phần chi phí nhỏ cho chuyến du lịch của mình.
Một số tour du lịch chỉ chấp nhận khi có 3 - 4 người trở lên tham gia. “Nên bạn đừng ngần ngại mở lời hỏi những người xung quanh xem họ có nhu cầu chia sẻ không nhé. Nếu ở homestay hay hostel thì việc này đơn giản hơn”, Tâm cho biết.
8. Tối giản hành lý
Trong số những cách du lịch tiết kiệm thì không thể không nhắc tới quy định về hành lý cho chuyến bay. Theo Tâm, du khách nên tìm hiểu chính sách hành lý của mỗi hãng bay để cân nhắc mua gói hành lý kí gửi phù hợp.
Tâm cho rằng mọi người nên mang hành lý gọn nhẹ, chỉ mang những vật dụng thật cần thiết. Bản thân cô khi lên đường đi du lịch 7 quốc gia chỉ mang theo 2 chiếc balo. Trong balo có vài ba bộ quần áo đơn giản gồm quần short, áo thun, vài món đồ makeup, 1 cuốn sách, 1 chiếc gối ngủ, 1 đôi giày, 1 đôi dép
9. Kết bạn với người địa phương
Thay vì chọn các tour du lịch thì bạn nên thân thiện, làm bạn với người bản địa. Bằng cách này bạn có thể có trải nghiệm thực tế hơn, học hỏi được cuộc sống thường nhật của người bản địa, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Họ sẽ đưa bạn đến những nơi mà chỉ có dân địa phương mới biết. Và điều quan trọng là chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều so với khách du lịch.
10. Lên lịch trình thông minh
Tâm thường lên lịch trình khoa học cho mỗi ngày trong suốt chuyến đi, kết hợp các điểm gần nhau hoặc trên cùng một tuyến đường để tham quan chung.
11. Hitchhiking – hình thức du lịch bụi tiết kiệm chi phí đi lại
Hitchhiking có nghĩa là đi nhờ xe. Tuy chưa phổ biến tại Việt Nam nhưng hình thức này lại phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hitchhiking giúp bạn tiết kiệm được chi phí đi lại cho chuyến du lịch. Hơn hết, bạn còn có thêm nhiều bạn mới, trải nghiệm lòng tốt của người lạ. “Tuy nhiên, hãy nhìn người mà đi nhờ nhé vì người tốt nhiều nhưng người xấu cũng không ít đâu”, Tâm chia sẻ.
12. Đi phương tiện công cộng
Thay vì đi taxi, thuê ô tô thì bạn có thể sử dụng tuk tuk, xe bus, tàu lửa để đi lại. Nếu khoảng cách giữa các điểm không xa thì có thể đi bộ, vừa tiết kiệm vừa tập thể dục luôn.
Ngoài ra, nếu di chuyển từ sân bay, bạn có thể đi chung taxi để tiết kiệm
13. Trữ tiền đô (nếu du lịch nước ngoài)
Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, hãy trữ một ít tiền đô vì một số cây ATM ở nước ngoài tính phí rất cao cho thẻ quốc tế.
14. Mua bảo hiểm giúp bạn du lịch vừa an toàn vừa tiết kiệm
Với kinh nghiệm của Tâm, bất kể làm gì thì an toàn cũng phải đặt trên hết. Trên hành trình du lịch, bạn có thể gặp phải rủi ro không lường trước. Do đó, cô mua gói bảo hiểm du lịch để phòng trường hợp xấu.
Theo Vietnamnet