Thủ tướng Chính phủ: Mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thật thận trọng

Xã hội - Ngày đăng : 16:28, 23/09/2021

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta nguy hiểm, song điều quan trọng là kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung. Việc mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thật thận trọng đi từng bước.


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 23.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình phòng, chống dịch thời gian qua, đặc biệt bàn biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” trong thời gian tới.

Dự họp có các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 dự trực tuyến tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, cuộc họp này nhằm đánh giá kết quả, tình hình sau một thời gian tiến hành các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch. Từ đó chỉ ra những việc đã làm được, việc chưa làm được; nhận định tình hình; bàn các biện pháp “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này bàn việc thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch bệnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

“Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, xuyên suốt, chuyên sâu thế nhưng tổ chức thực hiện có nơi này, nơi khác chưa được tập trung thống nhất chuyên sâu, chưa linh hoạt cho phù hợp với tình hình của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự phối hợp của các bộ, các ngành cũng chưa được nhịp nhàng. Công tác chống dịch không chỉ Bộ Y tế làm mà còn liên quan đến kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, chăm sóc sức khỏe đời sống nhân dân. Như vậy đòi hỏi sự phối hợp hết sức chặt chẽ và có hiệu quả thì mới chống dịch thành công” – Thủ tướng nêu rõ.

Hơn nữa, chống dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa mở rộng dần. Cũng có lúc bị động, lúng túng vì biến chủng Delta nguy hiểm, song điều quan trọng là kịp thời phát hiện, điều chỉnh, bổ sung. Việc mở cửa, nới lỏng giãn cách phải thật thận trọng đi từng bước.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận, đưa ra được các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới trên tinh thần tập trung, thống nhất, xuyên suốt, chuyên sâu từ Trung ương tới địa phương; các biện pháp phải được áp dụng khoa học, linh hoạt đối với từng ngành, địa phương, thời điểm, căn cứ tình hình thực tiễn; các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn...

Đặc biệt, trong điều kiện tiêm vaccine phòng Covid-19 chưa đủ bao phủ, công tác phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục cần sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng; công tác quản lý, điều hành quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền; sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và tiếp tục cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, với tinh thần người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 22.9.2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 714.000 ca mắc, 484.000 người đã khỏi bệnh (chiếm 68%) và 17.700 ca tử vong; có 17/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng). Đến nay, số lượng vaccine đã phân bổ là hơn 50,2 triệu liều; đã tiêm được hơn 35,1 triệu liều, trong đó có khoảng 21,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 6,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.

Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận 73.253 trường hợp mắc mới, giảm 10,6% so với tuần trước; số tử vong trong tuần giảm 15,8 %. Đặc biệt, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số người mắc trong 7 ngày gần đây giảm 18,8% so với 7 ngày trước.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trên phạm vi cả nước tình hình dịch đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số mắc cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Tuy nhiên, hai tỉnh An Giang, Kiên Giang tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới. Một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người, do đó nguy cơ dịch gia tăng trong những ngày tới đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để xử lý kịp thời, với tinh thần không được chủ quan, lơ là.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá về các giải pháp mà Ban Chỉ đạo đã đưa ra, thực hiện trong thời gian qua; phân tích khía cạnh chuyên môn; bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch... Trong đó khẳng định chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện như hiện nay là đúng hướng, cần kiên định thực hiện. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận các biện pháp cụ thể cần thực hiện tiếp theo để đảm bảo an toàn, hiệu quả trước việc một số địa phương đã và sẽ nới lỏng giãn cách xã hội.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, sau một thời gian kiện toàn, Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban của Ban Chỉ đạo đã ban hành các quy chế và hoạt động một cách trơn tru, bài bản, tập trung và hiệu quả; khẳng định, tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, với số người mắc trong cộng đồng và số ca tử vong liên tiếp giảm... Tuy nhiên, tại một số ít địa phương dịch bệnh vẫn chưa có tiến triển rõ rệt. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù có một số chỉ số tích cực, song dịch vẫn diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác phòng, chống dịch nói chung như: Việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn sót lọt một số đối tượng. Một số nơi thiếu điều kiện thực hiện “4 tại chỗ”, cần được phối hợp, hỗ trợ, chi viện giữa các cấp và địa phương. Vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, nhất là khi đã kiểm soát được một số chỉ số của dịch bệnh; còn hiện tượng tụ tập đông người khi nới lỏng giãn cách xã hội. Các biện pháp về công nghệ vẫn chưa hoàn thiện. Công tác truyền thông vẫn thiếu chủ động. Phòng, chống dịch tại một số địa phương chưa linh hoạt, cần căn cứ tính phổ biến, tính đặc thù và cần kết hợp hài hòa giữa các ngành, địa phương, đơn vị... để thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua quá trình phòng chống dịch, nhất là trong đợt dịch lần thứ 4 này chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý; đồng thời hiểu rõ hơn về virus gây dịch bệnh; nhận ra được những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được để điều chỉnh nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, các giải pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam đã và đang thực hiện cơ bản là phù hợp, đúng hướng, hiệu quả, nhất là trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, trong khi dịch bệnh mới, nguy hiểm, diễn biến nhanh chóng, khó lường…

Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình và các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện một số định hướng lớn, biện pháp chủ yếu phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Theo đó, trong công tác chỉ đạo cần gắn với giám sát, kiểm tra; việc triển khai thực hiện phải quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” và dựa trên các nguyên tắc “y tế là trụ cột, trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu, khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và theo thứ tự ưu tiên như người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, vaccine cho trẻ em...; tiếp tục thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc, sinh phẩm, thiết bị y tế phòng, chống dịch ở trong nước; tiếp tục hỗ trợ, chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… nhanh chóng khống chế, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch ngay tại cơ sở, nhất là việc đảm bảo y tế, an sinh xã hội cho người dân.

Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với nhau để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất, kinh doanh; chủ động truyền thông để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ và triển khai hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch đúng đối tượng, đặc biệt là chính sách hậu phương cho những lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, có chế độ và khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, đồng thời với việc phòng chống dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch như trong mua sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế; đấu tranh và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với nạn tin giả, hành vi xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân, mất đoàn kết, nghi ngờ trong nội bộ, ảnh hưởng tới ý chí của lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Theo TTXVN