Sập bẫy “thần y"

Tin tức - Ngày đăng : 16:00, 24/09/2021

Do tin vào những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” của các “thần y” trên mạng xã hội nên nhiều người đã dốc hầu bao mua thuốc nhưng rồi tiền mất mà bệnh vẫn mang.


Không ít người ngại đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà mua thuốc của các "thần y" rởm trên mạng xã hội

Do dịch Covid-19, thời gian gần đây nhiều người dân trong tỉnh ngại đi bệnh viện mà tin vào những lời quảng cáo của các “thần y" rởm trên mạng xã hội khám bệnh, bán thuốc online. Hậu quả là tiền mất mà bệnh vẫn mang.

Thổi phồng công dụng

Bà N.T.L. ở xã Long Xuyên (Bình Giang) bị bệnh đại tràng đã nhiều năm nay. Một lần xem Facebook, bà L. thấy quảng cáo chữa bệnh viêm đại tràng của một người được gọi là “thần y” tên Chương ở huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Nghe những lời quảng cáo như “rót mật vào tai”, bà L. lưu ngay số điện thoại để gọi tư vấn. “Hôm đó, tôi gọi điện hỏi mua thuốc, họ hỏi han bệnh tình tỉ mỉ, cặn kẽ. Sau đó “thần y” khẳng định chắc chắn chữa khỏi bệnh cho tôi. Nếu không khỏi sẽ đền tiền gấp 10 lần và còn cho tôi số điện thoại của những người đã từng được chữa khỏi để liên hệ kiểm chứng”, bà L. kể.

Theo lời "thần y", bà L. chỉ cần uống 2 liệu trình thuốc sẽ khỏi bệnh. Vì tin tưởng, bà L. quyết định bỏ ra 2 triệu đồng để mua trước một liệu trình và còn rủ thêm hai người bạn cũng bị bệnh giống mình mua cùng để đỡ mất phí gửi thuốc về. Hai bạn của bà L. cũng chỉ được bắt bệnh qua điện thoại.

Hai tháng trước, vợ chồng ông P.V.V. ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) cũng lướt Facebook và thấy giới thiệu một bài thuốc có thể trị dứt điểm bệnh xương khớp, thoát vị đĩa đệm. Người mua có thể xem video hướng dẫn sử dụng thuốc trên trang web thaoduocvungnui.xyz. Xem video trên website này, ông bà V. thấy người hướng dẫn dùng thuốc là bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Trưởng Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Ông V. cho biết: “Tin tưởng bác sĩ giỏi, có tiếng của bệnh viện quân đội giới thiệu nên tôi mới mua. Vợ chồng tôi lại có thể gọi điện để nghe tư vấn chữa bệnh bất cứ khi nào". Ông V. đã bỏ 3 triệu đồng để mua thuốc chữa thoát vị đĩa đệm cho mình và thoái hóa khớp gối cho vợ nhưng lại nhận cùng một loại thuốc. Liên hệ lại, ông bà nhận được câu trả lời: “Đều là bệnh liên quan đến xương khớp nên có thể uống cùng được”. Điều đáng nói là loại thuốc điều trị bệnh xương khớp X3 mà vợ chồng ông V. mua chỉ là thực phẩm chức năng không phải thuốc như quảng cáo. Đơn vị sản xuất sản phẩm này đã hai lần bị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) xử phạt vì quảng cáo thổi phồng tác dụng. Người được gọi là bác sĩ Toàn cũng là giả mạo. Trang web ông bà đã xem cũng không còn truy cập được nữa. 

Thời gian qua, các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo về tình trạng “thần y" rởm trên mạng xã hội nhưng vẫn có không ít người sập bẫy. Nguyên nhân do dịch Covid-19 nên nhiều người ngại đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Hơn nữa, những lời quảng cáo thổi phồng công dụng, kèm theo những đánh giá của các "bác sĩ" nổi tiếng nên nhiều người tin và chấp nhận dốc hầu bao mua thuốc.

Tiền mất, tật mang

Số tiền bà L. bỏ ra mua thuốc qua mạng xã hội không nhỏ nhưng bà L. khẳng định là lừa đảo. “Tôi uống gần hết liệu trình nhưng không thấy đỡ. Khi nội soi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tôi mới biết bệnh đã chuyển nặng, phải phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng do điều trị muộn”- bà L. cho biết. Khi gọi điện hỏi nhà thuốc thì họ bảo là thuốc không hợp và khuyên tôi chuyển sang một loại thuốc khác. Bà L. bức xúc: “Ban đầu họ cam kết không khỏi sẽ đền tiền nhưng lại tìm đủ lý do để thoái thác. Thậm chí, họ còn chặn cả số điện thoại của tôi. Dùng số điện thoại khác gọi đến ban đầu họ còn nghe máy nhưng sau khi tôi đòi đền tiền thì ngay lập tức họ dập máy. Thuốc họ bán cho tôi gần 1 triệu đồng/hộp trong khi con trai tôi kiểm tra tại các hiệu thuốc thì chỉ có giá gần 300.000 đồng/hộp”.

Khi biết “thần y” rởm đã mạo danh bác sĩ Hoàng Khánh Toàn để bán thuốc thì ông bà V. đã “cạch” mua thuốc trên mạng xã hội.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Nga, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), không ít bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện kể đã bị mắc lừa bởi mua thuốc rởm của các “thần y” trên mạng xã hội. Nhiều người còn để biến chứng nặng mới đến bệnh viện điều trị.

Theo Phòng Nghiệp vụ dược - Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế), Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức là nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Luật này cũng quy định việc mua bán thuốc phải được thực hiện tại nhà thuốc, quầy thuốc và theo đúng quy định của pháp luật. Do đó bán thuốc qua mạng là vi phạm quy định của pháp luật.

Để quản lý loại hình kinh doanh này cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, công thương, thông tin và truyền thông, công an và UBND các cấp. Người dân cũng cần thay đổi thói quen mua và sử dụng thuốc. Người bị bệnh nên đi khám tại các cơ sở uy tín và mua thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Việc mua thuốc trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì người mua không biết rõ trình độ của người bán thuốc, nguồn gốc, chất lượng thuốc nên rất dễ mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng, gây nguy hiểm cho sức khỏe. 

HẢI MINH