Bộ Công Thương: Tiếp sức để doanh nghiệp "vượt bão" COVID-19
Kinh tế - Ngày đăng : 09:45, 25/09/2021
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về xúc tiến thương mại và thị trường.
Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (9/9/2021) được coi là một đòn bẩy kịp thời, giúp tái tạo nguồn lực tại doanh nghiệp.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cho biết đơn vị này đã ban hành kịp thời nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm cân đối hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tháo gỡ hai khó khăn lớn nhất là nguồn cung phục vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kinh doanh trực tuyến
- Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể những giải pháp của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết 105 đề ra?
- Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, Bộ Công Thương đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bộ cũng thành lập 2 Tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm thông suốt việc cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung, khan hiếm hàng hóa.
Cùng với nhiều giải pháp hiệu quả nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản được thuận lợi, giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, công tác bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; triển khai việc dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh COVID-19...
Chúng tôi cũng tập trung đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua hai công cụ là: Kích thích tiêu dùng, gia tăng tiêu dùng cuối cùng trong nước và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình phát triển hạ tầng thương mại miền núi…
Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến và kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số.
Có thể khẳng định mô hình xúc tiến thương mại trên môi trường số đang là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp kết nối thị trường trong bối cảnh dịch bệnh; là một phương thức hiệu quả, mang tính dài hạn phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều giải pháp được triển khai hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng tôi sẽ chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu; trang bị kỹ năng tiếp cận thị trường xuất khẩu, tư vấn các giải pháp để kinh doanh trực tuyến và tham gia Thương mại điện tử hiệu quả, tập huấn áp dụng công cụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Ngoài ra, từ đầu tháng 9.2021, Bộ Công Thương đã tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá dung lượng thị trường tiềm năng đối với 9 nhóm/mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trên 14 khu vực/thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các khu vực thị trường là đối tác của Việt Nam trong các FTA.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương căn cứ những phân tích, đánh giá về tiềm năng, triển vọng thị trường xuất khẩu của Bộ Công Thương, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương tổ chức lại sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu...
Đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức Xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng thông qua nhiều hình thức như trực tuyến, ứng dụng môi trường số hoặc trực tiếp nếu dịch bệnh được kiểm soát...
Gỡ khó cho doanh nghiệp
- Đâu là khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, thưa ông?
- Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất.
Đầu tiên là việc áp dụng các quy định về phòng dịch và phân luồng giao thông của các địa phương trong quá trình vận chuyển hàng hóa-đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương. Điều này đã phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa.
Tiếp đến là khó khăn về việc bố trí sản xuất an toàn trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tại các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phải đóng cửa do không áp dụng được phương án bố trí sản xuất “3 tại chỗ” theo các chỉ đạo, hướng dẫn phòng dịch của các địa phương do số lượng lao động tập trung rất lớn (có thể lên tới hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn lao động), quy mô cơ sở vật chất thiếu thốn, chi phí tổ chức tăng cao.
Ngoài ra, khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuấtdo chi phí sản xuất tăng cao khi giá một số nguyên vật liệu tăng, phát sinh nhiều chi phí phòng chống dịch. Hơn nữa, nguồn cung lao động hạn chế do bắt buộc cắt giảm hoặc khó khăn vì giãn cách.
Cuối cùng là khó khăn về thị trường tiêu thụ. Theo dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ôtô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng gặp khó khăn khi doanh nghiệp đang đối mặt với việc ngừng trệ sản xuất.
- Vậy, Thứ trưởng có thể chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch mà không làm đứt gãy và gián đoạn chuỗi cung ứng?
- Đầu tiên là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan trên cả nước để điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đóng vai trò quan trọng.
Các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, không quy định thêm “giấy phép” con để tăng rào cản, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, việc thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa khi cần thiết.
Đặc biệt, có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho người lao động để duy trì sản xuất, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế và hoạt động sản xuất.
Cuối cùng là phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các lực lượng tại các chốt kiểm soát, doanh nghiệp, người dân nắm được và hiểu đúng chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành để lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Vietnam+