Bút danh thì “béo” nhưng người rất gầy

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:11, 26/09/2021

Hồ Trọng Hiếu vì tức mà có bút danh Tú Mỡ.

Có trăm nghìn cách, trăm nghìn lý do đặt bút danh. Hồ Trọng Hiếu vì tức mà có bút danh Tú Mỡ. Vốn là khi học xong trung học, Hồ Trọng Hiếu vào làm thầy Phán (một chức sự như thư ký văn phòng) ở Sở Tài chính. Cùng mấy anh trong phòng thích thơ phú ngâm nga với nhau. Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh) thấy Hồ Trọng Hiếu có bài phú "Thầy Phán" hay, bảo gửi báo Nam Phong. Ông Hiếu chưa tự tin nên ký bút danh là Vô Danh. Báo Nam Phong đăng, năm sau, hãng Nam Ký xuất bản tờ báo Tết, đăng lại bài phú ấy, nhưng đổi bút danh Vô Danh thành Tú Xương. Có lẽ tưởng bài phú của nhà thơ sông Vị, vì có giọng giống Tú Xương. Bài phú "Thầy Phán" có những câu: "Sở có một thầy/Mặt mũi khôi ngô/Hình dung chững chạc/Quần là ống sớ/Áo vận khuy vàng/Khăn lượt vành giây/Ô che cán bạc/Bảnh bao lắm mốt, trời nắng trời mưa: giày nọ giày kia/ Lịch sự đủ vành, mùa rét mùa nực: mũ này mũ khác"...

Ðược đăng báo, nhất là báo Tết, Hồ Trọng Hiếu rất mừng. Mừng thêm nữa là được nhầm với Tú Xương mà ông coi là bậc thầy. Nhưng lại bực, không biết Vô Danh là ai thì cứ để nguyên, lại ghi là Tú Xương. Từ đó, ông nảy ra ý đặt tên khác hẳn với Tú Xương để khỏi nhầm và mặt khác để tỏ ý là đồ đệ của ông. Tú thì được rồi, vì hai người đều đỗ tú tài, nhưng thầy là Xương thì mình là Mỡ, thành Tú Mỡ. Mặc dầu như ông nói với Ngô Tất Tố: "Màu mỡ vì chưng ra ngọn bút/Thân hình nên mới ngẳng như que", vì thực tế, nhà thơ Tú Mỡ lại… rất gầy.

Từ năm 1929, ông ký bút danh Tú Mỡ, phụ trách chuyên mục "Dòng nước ngược" của báo Phong Hóa, rồi báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh, Khái Hưng và mấy người, trong đó có ông lập ra. Đến Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp cứu nước, ông tham gia kháng chiến bằng ngòi bút trào phúng và lấy bút danh Bút Chiến Đấu. Dân nơi sơ tán thường gọi thân mật: Ông Ðấu. Sau 1954, ông trở lại với bút danh Tú Mỡ, viết nhiều thơ trào phúng đả kích Mỹ, ngụy.

TRẦN VĂN LỢI