"Di cư" theo cây cà rốt trong mùa dịch
Kinh tế - Ngày đăng : 11:36, 28/09/2021
Diện tích trồng cà rốt ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) của Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương đã gieo trồng khoảng 30% diện tích
Thuê đất ở các tỉnh khác để trồng cà rốt đã mang lại thu nhập cao cho một số hộ dân ở huyện Cẩm Giàng.
Chuyển cả gia đình sang tỉnh Thái Bình
Có kinh nghiệm trồng cà rốt nhưng đất ở quê không đủ rộng nên anh Phạm Mạnh Tường ở thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) phải thuê 10 ha đất bãi sông ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) để trồng cà rốt. Để yên tâm sản xuất, anh thuê đất có thời hạn lên tới 10 năm. Anh trực tiếp đứng ra quản lý và hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc. Trước đây, khi dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, cách tuần anh Tường lại về nhà. Từ sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, việc đi lại khó khăn nên vợ chồng anh Tường quyết định chuyển cả gia đình sang sinh sống tạm thời ở Thái Bình. "Đầu năm học vừa rồi, tôi đã đăng ký tạm trú cho cả gia đình và chuyển 2 con sang học ở bên này. Việc học của các cháu tuy có gián đoạn do phải thay đổi môi trường nhưng như vậy vợ chồng tôi mới yên tâm sản xuất và có điều kiện chăm lo cho các cháu", anh Tường nói.
Mấy năm nay, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương thuê khoảng 300 ha đất để trồng cà rốt tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Là cán bộ kỹ thuật của công ty nên anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn phải quản lý và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà rốt trên toàn bộ diện tích này. Vì vậy, anh Linh thường xuyên phải đi lại giữa 2 tỉnh. Kể từ sau Tết Nguyên đán, anh Linh và 20 lao động người Hải Dương trở lại Bắc Ninh để làm việc. Sau đợt ấy, dịch bệnh ở các tỉnh diễn biến phức tạp, anh Linh và những người lao động khác lựa chọn ở lại để giảm chi phí đi lại và bảo đảm an toàn phòng dịch. "Trước đây khi chưa có chốt chặn giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, chúng tôi sáng đi làm, tối về nhà. Với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng thì cơ bản bảo đảm cuộc sống. Từ khi dịch bùng phát, đoạn đường đê giáp ranh giữa 2 tỉnh bị chặn nên chúng tôi ở tại lán trại. Công ty cũng hỗ trợ một phần chi phí ăn ở để giảm bớt khó khăn và để người lao động yên tâm sản xuất", anh Linh cho biết.
Tập trung sản xuất
Toàn bộ tài sản tích góp của gia đình cùng hơn 1 tỷ đồng vay mượn của ngân hàng, anh Tường đều đổ vào thuê đất trồng cà rốt. Vụ trước, đúng dịp thu hoạch cà rốt thì gặp dịch nên việc tiêu thụ, vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Sau vụ cà rốt, anh chuyển sang trồng rau cải, dưa hấu... giá bán cũng bị giảm, sản xuất chỉ hòa vốn. Mọi hy vọng anh đều dồn vào vụ cà rốt này. Theo anh Tường, vụ đông này dự báo thời tiết thuận lợi nên cây cà rốt có điều kiện tốt để sinh trưởng và phát triển. Dự báo, việc xuất khẩu cà rốt cũng sẽ thuận lợi hơn do được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Hiện khoảng 35% diện tích trồng cà rốt của gia đình anh Tường đã xuống giống. Cà rốt được trồng gối nhau nên sẽ thu hoạch rải vụ, hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Khu vực đất bãi sông ở huyện Gia Bình rất thích hợp để trồng cà rốt. Cùng việc áp dụng kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, năng suất ở khu vực này thường cao hơn từ 2 - 3 tạ/ha so với cà rốt trồng tại Cẩm Giàng. Anh Linh cho biết: "Vụ này, đa số lao động người Hải Dương đều lựa chọn ở lại nên việc sản xuất được tập trung hơn trước. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ khoảng chục ngày nữa, cà rốt sẽ được gieo xong".
Xã Đức Chính và Cẩm Văn là 2 địa phương có nhiều hộ thuê đất ở các tỉnh, thành phố khác để trồng cà rốt. Theo anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, chỉ tính riêng trên địa bàn xã đã có khoảng 200 hộ thuê đất ở các địa phương khác để trồng cà rốt với tổng diện tích khoảng 1.200 ha, tăng gần 100 ha so với các vụ trước. Diện tích đất sản xuất tăng do một số người dân ở lại các địa phương thuê đất lâu dài. Với kinh nghiệm cùng việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chủ động kết nối trong tiêu thụ, đây có thể là vụ cà rốt được mùa, được giá với nông dân.
PV