Bàn về chất vấn trong Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 14:13, 29/09/2021
Chất vấn trong Đảng nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy viên; góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Từ quan điểm, chủ trương…
Chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của cấp uỷ viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước. Mục đích của chất vấn là nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy viên; góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chất vấn còn nhằm để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu.
Bàn về chất vấn trong đảng, V.I.Lê-nin từng nói: “Trong đảng luôn luôn sẽ có những cuộc tranh luận và đấu tranh”; “Phê phán và “luận chiến” ở đây là cần thiết, nhưng chỉ được phê phán công khai, trực tiếp, rõ ràng và minh bạch chứ không phải bới lông tìm vết, không phải châm chọc, không phải soi mói…”. V.I.Lê-nin đề nghị tăng thẩm quyền cho Ban Kiểm tra Trung ương, theo hướng “…những ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ Chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết; nó, “không được vị nể cá nhân”, phải giữ gìn sao cho không một quyền uy nào của Tổng Bí thư hay là của một ủy viên nào trong BCH Trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”.
Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động chất vấn đã được thực hiện từ khi Đảng ra đời, quy định rõ trong Điều lệ Đảng các thời kỳ. Điều lệ Đảng khoá II nêu rõ đảng viên chính thức “trong các cuộc hội nghị, được phê bình, chất vấn về chủ trương, chính sách của Đảng, được phê bình bất kỳ người nào, cấp bộ nào trong Đảng”; “Nếu có những điều không hiểu hoặc không đồng ý, cấp dưới có quyền hỏi và đề đạt ý kiến lên cấp trên”. Điều lệ Đảng khoá III quy định rõ hơn là “trong hội nghị của Đảng”, đảng viên chính thức “được phê bình, chất vấn về công tác của cán bộ, đảng viên và tổ chức của Đảng”. Điều lệ Đảng các khoá IV, V, VI bổ sung thêm cụm từ “trong phạm vi tổ chức” vào quy định này, cụ thể là: đảng viên chính thức “được phê bình, chất vấn về công tác của cán bộ, đảng viên và tổ chức của Đảng trong phạm vi tổ chức”. Điều lệ Đảng khoá VII và các khoá sau tiếp tục bổ sung thêm “được phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức”.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta đã chỉ ra ba vấn về cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng yêu cầu: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban chấp hành (BCH) Trung ương và cấp ủy các cấp”. Đại hội XII của Đảng tiếp tục yêu cầu “Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của BCH Trung ương, cấp ủy, Ban thường vụ (BTV) cấp ủy các cấp”. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) nhấn mạnh phải “tăng cường cơ chế chất vấn, giải trình trong công tác cán bộ”.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn trong Đảng, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW ngày 12.5.2008 về Quy chế chất vấn trong Đảng. Đây là văn bản đầu tiên quy định vấn đề chất vấn trong Đảng, trong đó nêu rõ: “Đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, BTV cấp ủy, đảng viên trong phạm vi cấp ủy, BTV cấp ủy, đảng bộ mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình. Tổ chức đảng, đảng viên là đối tượng chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời chất vấn của mình”. Để cụ thể hóa Quy chế, ngày 14.7.2008 Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15-HD/UBKTTW về thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng. Ngày 8.6.2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Hướng dẫn 02-HD/TW về thực hiện chất vấn trong Đảng tại các kỳ họp của BCH Trung ương, trên cơ sở đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 07-HD/TW ngày 30.7.2012 về thực hiện chất vấn của cấp ủy viên tại các kỳ họp của BCH đảng bộ các cấp. Hướng dẫn nêu rõ “Chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp BCH đảng bộ các cấp (gọi chung là cấp uỷ) là việc các đồng chí uỷ viên BCH đảng bộ, kể cả bí thư, phó bí thư, uỷ viên BTV (gọi chung là cấp uỷ viên) hỏi và được trả lời về việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cấp uỷ, BTV cấp uỷ, thường trực cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cùng cấp; chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn cấp ủy viên cùng cấp, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Như vậy có thể nói Đảng ta đã có hệ thống quan điểm về hoạt động chất vấn trong Đảng. Việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng được Đảng ta xác định là một giải pháp quan trọng để thực hành dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
...đến tổ chức thực hiện
Quy chế chất vấn trong Đảng đã được các cấp ủy đảng triển khai và bước đầu khẳng định hiệu quả, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu của Quy chế chất vấn trong Đảng cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập: Việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng vẫn chưa trở thành hoạt động thường xuyên, phổ biến ở các cấp ủy; nội dung chất vấn nghèo nàn, chưa thực sự đúng trọng tâm, trọng điểm, còn né tránh nhiều vấn về nổi cộm, bức xúc. Ở nhiều nơi, phương pháp chất vấn giống như phê bình, góp ý, trả lời chất vấn na ná nhau, giống như tự phê bình. Nhiều cấp ủy chưa mạnh dạn triển khai thực hiện chất vấn; hồ sơ lưu trữ, việc sơ kết, tổng kết chưa được quan tâm... Thực tế cho thấy, ở nhiều hội nghị cấp ủy, trong chương trình mặc dù đã dành thời gian để cấp ủy viên thực hiện quyền chất vấn, song số lượt đăng ký chất vấn rất ít, thậm chí không có. Ở nhiều tổ chức đảng, hiện tượng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thường xuyên diễn ra. Nhiều vụ việc tiêu cực nổi lên thời gian qua liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng đều bắt nguồn từ nguyên nhân này. Thực trạng đó đòi hỏi cần phải thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, hiệu quả hơn nữa hoạt động chất vấn trong Đảng, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, cần mở rộng quyền chất vấn của đảng viên. Điều lệ Đảng khóa XI quy định đảng viên có quyền “Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời”. Tuy nhiên, Quy chế chất vấn và Hướng dẫn thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng hiện nay đã giới hạn quyền chất vấn của đảng viên. Cụ thể, trong Hướng dẫn số 07-HD-UBKTTW ngày 30.7.2012 thay cho Hướng dẫn số 15-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu: “Hướng dẫn này quy định việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của BCH đảng bộ các cấp và được áp dụng đối với các đồng chí cấp ủy viên cùng cấp và BTV, thường trực cấp ủy, ủy ban kiểm tra cùng cấp”. Như vậy, những đảng viên không phải là cấp ủy viên chưa được quyền chất vấn trong các kỳ họp của cấp ủy. Việc này phần nào làm ảnh hưởng đến việc phát huy trách nhiệm, trí tuệ của đảng viên đối với công tác xây dựng Đảng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chất vấn trong Đảng trở nên trầm lắng, kém sinh động, hình thức, khó thực hiện. Từ vấn đề này, cần bổ sung, sửa đổi theo hướng mọi đảng viên được thực hiện quyền chất vấn tại các hội nghị của cấp ủy, trong hội nghị đảng bộ, chi bộ và đại hội đảng bộ các cấp. Đảng viên không phải là thành viên của hội nghị cấp ủy được phép tham dự trong thời gian hội nghị dành cho việc chất vấn, hoặc chất vấn gián tiếp bằng văn bản.
Hai là, cấp trên thực hiện trước, cấp dưới làm sau. Quy chế chất vấn trong Đảng quy định đối tượng chất vấn là “cấp ủy, BTV cấp ủy các cấp” và “cấp ủy viên” dễ dẫn đến cách hiểu rằng BCH Trung ương, Bộ Chính trị và các Ủy viên BCH Trung ương đều nằm ngoài đối tượng chất vấn. Mặc dù đã có quy định nhưng trong các kỳ họp BCH Trung ương hoạt động chất vấn chưa có nhiều chuyển biến. Nếu BCH Trung ương không tiên phong, gương mẫu thực hiện trước để tạo sự lan tỏa, thì những rào cản tâm lý của cấp ủy các cấp vẫn khó được dỡ bỏ. Cần điều chỉnh quy chế theo hướng cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở là việc “phải làm”, chứ không chỉ là việc “nên làm”. Cần thiết phải nâng Quy chế chất vấn trong Đảng từ Quyết định và Quy chế của Bộ Chính trị thành Nghị quyết và Quy chế của BCH Trung ương.
Ba là, công khai nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Ở nước ta hiện nay, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được nhân dân cả nước hoan nghênh. Trong khi đó việc công khai chất vấn trong Đảng dường như chưa được thực hiện. Quy chế chất vấn trong Đảng đã nêu: “Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước”; “Người chất vấn gửi ý kiến chất vấn trước khi tổ chức hội nghị từ 3 đến 5 ngày để ban tổ chức hội nghị hoặc người chủ trì hội nghị xem xét, quyết định việc tổ chức trả lời chất vấn”. Hướng dẫn số 07-HD/UBKTTW cũng nêu rõ người, tổ chức được chất vấn có quyền: “Từ chối trả lời nếu nội dung chất vấn thuộc bí mật của Đảng và Nhà nước… những vấn đề thuộc bí mật đời tư của cá nhân cấp uỷ viên mà không vi phạm tư cách đảng viên, tư cách cấp uỷ viên thì cấp uỷ viên được chất vấn có quyền từ chối trả lời”. Như vậy, trừ các nội dung liên quan đến những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước, còn lại các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đều có thể công khai với đảng viên và Nhân dân.
Bốn là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các ban Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, tham mưu cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chất vấn trong Đảng. Thực tế thời gian qua, lãnh đạo các ban Đảng ở Trung ương tham dự các hội nghị cấp ủy, BTV cấp ủy cấp dưới để hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động chất vấn chưa nhiều và chưa thường xuyên. Cũng chưa có cơ chế rõ ràng quy định về trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng. Để khắc phục tình trạng này, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các ban Đảng ở Trung ương với cấp ủy đảng các cấp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BTV cấp ủy các cấp căn cứ vào nội dung chất vấn để giao cho một cơ quan chủ trì, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó như: nội dung chất vấn liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ giao cho ban tổ chức; về đạo đức, lối sống, kỷ luật, kỷ cương, chấp hành các quy định… giao cho ủy ban kiểm tra; về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giao cho ban nội chính… Quy chế phối hợp hoạt động chất vấn cần tập trung làm rõ cơ quan giữ đầu mối chủ trì, cơ quan tham gia phối hợp và chế độ trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ban trong hoạt động chất vấn.
Năm là, tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ủy ban kiểm tra các cấp. Bộ Chính trị nên giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chất vấn trong Đảng. Hơn nữa, trong và sau phiên chất vấn, nếu phát hiện đối tượng chất vấn có sai phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm theo quy định của Đảng, thì ủy ban kiểm tra chủ trì phối hợp với ban tổ chức, văn phòng cấp ủy và các tổ chức đảng có liên quan thực hiện kiểm tra để tham mưu, xem xét, xử lý; đồng thời đôn đốc, theo dõi việc xử lý đối tượng theo kết luận, quyết định của Đảng.
Sáu là, nghiên cứu, bổ sung các quy định về xử lý trong và sau chất vấn. Hiện tại, quy định, hướng dẫn về chất vấn chưa đưa ra yêu cầu xử lý trách nhiệm của người trả lời chất vấn, chưa quy định cụ thể về giải quyết những vấn đề sau chất vấn. Vì vậy, cần xác định rõ ràng, cụ thể phạm vi trách nhiệm của người được chất vấn; cam kết khắc phục những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm; thời gian, lộ trình để tránh tình trạng hứa nhưng không làm hoặc làm chậm, cho qua chuyện. Giao ủy ban kiểm tra các cấp theo dõi, giám sát việc thực hiện sau chất vấn, báo cáo cấp ủy về tiến độ, kết quả thực hiện lời hứa của người được chất vấn. Trong và sau chất vấn, nếu thấy có biểu hiện vi phạm thì phải giao ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để xem xét, kết luận, xử lý kịp thời.
Bảy là, tiến hành sơ kết, tổng kết. Việc sơ kết, tổng kết thực hiện quy chế, hướng dẫn chất vấn trong Đảng chưa được các cấp ủy quan tâm đúng mức, chưa tổ chức những hội nghị chuyên đề về việc thực hiện Quy chế chất vấn trong Đảng. Các báo cáo công tác đảng hằng năm và nhiệm kỳ của đa số các cấp ủy phản ánh hoạt động chất vấn rất mờ nhạt, thậm chí không đề cập đến hoạt động chất vấn. Do vậy, các cấp ủy cần đưa hoạt động chất vấn vào các chương trình, sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, BTV cấp ủy; tăng cường kiểm tra, giám sát; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, vướng mắc để định hướng, đưa hoạt động chất vấn đi vào thực tế, thiết thực.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng