Kết nối hàng Việt thời Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 15:44, 29/09/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm đã được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng ở Hải Dương triển khai một cách linh hoạt, phù hợp.


Nhờ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, doanh thu của Công ty CP Ong mật Việt Ý không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước cũng như việc giao thương của các doanh nghiệp đã buộc phải thay đổi để thích ứng.

Thay đổi hình thức giới thiệu sản phẩm

Trước đây, Công ty CP Ong mật Việt Ý (Chí Linh) thường mang sản phẩm giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Hơn 1 năm nay, công ty đã thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Lãnh đạo công ty tìm hiểu các hội chợ, hội nghị giao thương trực tuyến để đăng ký tham gia. Doanh nghiệp cử nhiều lượt cán bộ, nhân viên tham gia một số khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng trên các nền tảng trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty CP Ong mật Việt Ý cho biết đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) trong việc kết nối với các đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thiết kế nhãn mác, thương hiệu sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử. Khi dịch bệnh xảy ra, website của công ty đã phát huy hiệu quả trong việc quảng bá, kinh doanh sản phẩm. Ngoài các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… công ty còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Nhờ đó, doanh thu của công ty không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ HD Green (Gia Lộc) đã xây dựng website thương mại điện tử từ lâu. Nhưng thời gian trước công ty vẫn chú trọng đến giới thiệu trực tiếp sản phẩm tại các chuỗi cửa hàng, tham gia các hội chợ triển lãm. Hiện nay, công ty thường xuyên tham gia các hội chợ trực tuyến, đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, website.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cá lồng tại huyện Nam Sách. Theo thống kê, đến giữa tháng 9, toàn huyện có 2.442 lồng cá đến kỳ thu hoạch tập trung tại 9 xã gặp khó khăn trong tiêu thụ. UBND huyện Nam Sách đã đề nghị các sở, ngành liên quan quan tâm kết nối để hỗ trợ tiêu thụ cá giúp nông dân. Trung tâm Xúc tiến thương mại đã liên hệ với nhiều đơn vị đầu mối, siêu thị, nhà phân phối để truyền tải thông tin về cá lồng, gỡ khó trong quá trình tiêu thụ. Dự kiến hội nghị kết nối, tiêu thụ cá lồng Nam Sách năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 30.9, có 7 đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia cam kết thu mua cá cho bà con. 


Dự kiến hội nghị kết nối, tiêu thụ cá lồng Nam Sách năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 30.9, có 7 đơn vị tham gia cam kết thu mua cá cho bà con


Xu thế lâu dài

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm đã được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp. Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương trên các trang thông tin điện tử xuất khẩu uy tín như: Vietnamexport.com, Asemconnectvietnam.gov.vn, Congthuong.vn... Trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ xúc tiến thương mại như kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế; kỹ năng, văn hóa bán hàng trực tuyến; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các nhóm phân phối cung ứng hàng hóa theo từng ngành hàng như nhóm nông sản, thủy sản, gia súc, gia cầm… Đơn vị cũng kết hợp với các nội dung trong Chương trình Phát triển thương mại điện tử của tỉnh để tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trực tuyến quốc tế. Các hoạt động này giúp kết nối tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thực phẩm tiêu biểu, chủ lực của tỉnh.

Đối với các sản phẩm của tỉnh, Sở Công thương gửi công văn kèm danh sách người cung cấp mặt hàng đó đến Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại các địa phương, các siêu thị, nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến để kết nối đối tác. Trên Trang tin điện tử của Sở Công thương cũng đăng tải thông tin về các sản phẩm của các địa phương khác để “chắp mối” cho những đối tác trong tỉnh có nhu cầu về các sản phẩm này.

Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại, trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn phức tạp trong thời gian dài, xúc tiến thương mại điện tử không phải là một lựa chọn mà là điều bắt buộc, là xu thế lâu dài. Hoạt động này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp cũng có thể mở rộng, không chỉ thu hẹp trong phạm vi một tỉnh hay quốc gia mà có thể mở rộng trên phạm vi thế giới. 

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối hoạt động giao thương, hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

HUYỀN TRANG