Nổi bật vai trò, vị thế của Việt Nam tại diễn đàn Liên hợp quốc

Tin tức - Ngày đăng : 16:00, 29/09/2021

Dư luận quốc tế đánh giá các hoạt động và bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn Liên hợp quốc thể hiện Việt Nam là thành viên quan trọng và tích cực của cộng đồng quốc tế.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vừa kết thúc và một lần nữa Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá tiếp tục có những đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động của Liên hợp quốc trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

Trong 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự các phiên họp cấp cao của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cùng nhiều phiên họp quan trọng khác của Liên hợp quốc, gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn cùng khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới.

Dư luận quốc tế đánh giá các hoạt động và bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn Liên hợp quốc thể hiện Việt Nam là thành viên quan trọng và tích cực của cộng đồng quốc tế.

Bày tỏ ấn tượng về chương trình làm việc dày đặc nhưng rất hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk thuộc Quỹ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” (Nga) nêu bật những đề xuất thiết thực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại các phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng của thế giới.

Đó là các giải pháp như gỡ bỏ rào cản trong việc phân phối vaccine toàn cầu; thúc đẩy toàn diện hợp tác kinh tế thương mại để khôi phục kinh tế thế giới hậu đại dịch; đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế… được nêu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Chuyên gia Trofimchuk cũng đánh giá cao quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và phát triển kinh tế xanh bền vững, đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong bài phát biểu tại Phiên họp cấp cao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về an ninh khí hậu.

Theo ông Grigory Trofimchuk, những cam kết này đã được thể hiện rõ trong các hành động có trách nhiệm của Việt Nam nhiều năm trở lại đây, như đề án trồng 1 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2025, qua đó giúp hấp thụ khoảng 3% lượng khí thải độc hại.

Chuyên gia Nga cho rằng những đề xuất của Chủ tịch nước Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh các hệ thống lương thực của Liên hợp quốc mang tính đột phá, đặc biệt khi Việt Nam có kinh nghiệm làm nông nghiệp hàng nghìn năm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã bước vào kỷ nguyên số với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ làm chủ công nghệ cao. Đây là điều kiện cần thiết để Việt Nam phát triển bền vững trước mọi bất ổn kinh tế và tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề quốc tế, nhấn mạnh việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự trực tiếp phiên thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cho thấy Việt Nam rất coi trọng diễn đàn này .

Bà Vershinina chú ý tới 3 điểm trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Một là để đối phó hiệu quả với sự lây lan của đại dịch COVID-19, trước hết cần nỗ lực chung của tất cả các quốc gia, đặc biệt là trong vấn đề sản xuất vaccine và khả năng tiếp cận vaccine, bởi vì “chính vaccine sẽ cho phép thế giới vượt qua được tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay.”

Thứ hai, lời kêu gọi của Chủ tịch nước Việt Nam về thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết “vấn đề COVID-19 không biên giới” là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, cách tiếp cận “biến thách thức thành cơ hội” cùng những đề xuất được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra cho thấy Việt Nam ứng xử có trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Đề cập vai trò của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, bà Vershinina nhận định các hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được đánh giá cao bởi tính đa dạng và hiệu quả.

Bà lưu ý nhờ những nỗ lực của Việt Nam, cuộc họp mở đầu tiên của Liên hợp quốc với ASEAN đã được tổ chức với chủ đề “Hợp tác của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực và tiểu vùng trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: Vai trò của ASEAN.”

Chuyên gia Valeria Vershinina cho rằng Việt Nam đã làm tốt vai trò điều phối giữa một tổ chức khu vực và Liên hợp quốc. Nói cách khác, Việt Nam đã là một thành viên giàu kinh nghiệm và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có khả năng đề xuất và thực hiện các sáng kiến khác nhau nhằm giải quyết các thách thức và mối đe dọa toàn cầu, cũng như đưa ra các giải pháp có tính đến lợi ích của các bên.

Hãng thông tấn liên bang Nga (Riafan) cũng có bài viết nhấn mạnh những hoạt động tích cực và hiệu quả của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, khẳng định tất cả các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam đều thể hiện rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là thượng tôn luật pháp quốc tế.

Theo Riafan, bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận về an ninh khí hậu đã thể hiện rõ quyết tâm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đã triển khai thực hiện từ lâu như giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 25% tổng nguồn cung vào năm 2030; triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025…

Liên quan chủ đề lương thực, bài viết khẳng định Việt Nam, với bề dày kinh nghiệm hàng nghìn năm trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn toàn xứng đáng có vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực thế giới trong tương lai.

Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thế giới, dựa trên ba trụ cột chính là kinh tế-xã hội-môi trường. Các sáng kiến được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này có thể sẽ trở thành chủ đề nghiên cứu cho giới chuyên gia Nga, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong thời đại mới.

Truyền thông Cộng hòa Séc đặc biệt đề cao vai trò của Việt Nam thúc đẩy hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

Trong bài viết có tiêu đề “Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương ứng phó với các thách thức toàn cầu,” báo halonoviny.cz cho rằng phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm và luật pháp quốc tế làm nền tảng nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Bài viết cũng đề cao quan điểm của Việt Nam cho rằng việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới là điều kiện tiên quyết để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Đề cập sâu về đề xuất của Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với đại dịch, giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu..., bài viết lưu ý trước những tác động sâu sắc của đại dịch, Việt Nam kêu gọi các quốc gia cần tăng cường hợp tác để có thể biến các thách thức thành những cơ hội thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển bền vững...

Trang parlamentnilisty.cz của Séc cũng đăng bài viết đề cao quan điểm của Việt Nam thúc đẩy hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề Biển Đông nhằm góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Theo tác giả bài viết, đây là quan điểm phù hợp với xu thế vận động của thế giới đa cực hiện nay, đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Theo nhận định của tác giả bài viết, Việt Nam đề cao và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ cùng ASEAN nỗ lực góp phần duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giúp thúc đẩy nhận thức và nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần ngăn ngừa xung đột vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trang Geopolitical Monitor của Canada có bài phân tích toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời điểm lại những đóng góp của Việt Nam đối với mục tiêu chung của Liên hợp quốc.

Theo bài viết, bất chấp sự bùng phát của COVID-19, hình ảnh Việt Nam đã được nâng cao trong nhiệm kỳ làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với hai lần giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực và sự tự tin trong điều phối, trao đổi, đối thoại về các vấn đề quan trọng, cũng như nỗ lực gìn giữ và xây dựng hòa bình.

Việt Nam đã ủng hộ các sáng kiến của Liên hợp quốc, nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua biện pháp hòa bình.

Một trong những yếu tố then chốt thể hiện sự cởi mở và gắn kết với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng có được tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong Liên hợp quốc.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào đầu năm 2014 và quốc kỳ Việt Nam đã tự hào tung bay tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam cam kết đóng góp chủ động và có trách nhiệm nhằm bảo đảm Hiến chương gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Việt Nam còn nhận thấy sự cấp thiết trong việc hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tác giả bài viết nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh quốc tế thể hiện rõ ràng qua vai trò đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên năm 2019.

Đặc biệt, với cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, Việt Nam đã nổi lên như một nhà kiến tạo hòa bình-vị trí thích hợp trong ngoại giao hòa giải.

Việc Việt Nam tái định vị là một cường quốc trung gian và phát triển vai trò xây dựng hòa bình thể hiện sự tự tin ngày càng tăng của Hà Nội trong việc đóng vai trò hòa giải quan trọng trong ASEAN liên quan tới các vấn đề an ninh khu vực.

Thông qua đánh giá của các chuyên gia và truyền thông quốc tế, có thể thấy các hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tiếp tục làm nổi bật vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam luôn là một đối tác tích cực, chủ động và có trách nhiệm với những đóng góp thiết thực trong những vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.

Theo TTXVN