Kỳ công na đông

Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 03/10/2021

Cây na trái vụ mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Chí Linh. Nhưng để hái được "quả ngọt", người nông dân phải dày công chăm sóc và lo khâu tiêu thụ.


Phường Hoàng Tiến có diện tích trồng na lớn nhất TP Chí Linh, mang lại nguồn lợi cao cho người dân

Với khả năng sáng tạo cùng sự chịu thương, chịu khó, những nông dân ở TP Chí Linh đã bắt cây na phải ra quả trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định vị thế cây na Chí Linh trên thị trường. 

Như chăm cây cảnh

Tháng chín, nắng như rót mật trải xuống những sườn đồi bạt ngàn na ở khu dân cư Trường Quan thuộc phường Bến Tắm. Sau vụ chính, những cây na vừa hồi sức xanh mướt dưới ánh mặt trời. Trán đẫm mồ hôi, đôi chân thoăn thoắt, anh Nguyễn Văn Hậu đi từng gốc cây, cẩn thận kiểm tra từng quả na với sự chăm chú đặc biệt. Những cành thừa, quả còi cọc đều được anh cắt bỏ, thu dọn. “Trồng cây sắp tới ngày hái quả nên chỉ cần sểnh ra một chút là hỏng ăn ngay. Thời kỳ này na còn nhỏ, dễ bị bọ trĩ hoặc rệp sáp trắng tấn công gây hại. Nếu không phòng trừ kịp thời quả na sẽ giảm chất lượng, giảm giá trị”, anh Hậu nói. Nhìn những quả na mới to bằng cái chén uống nước vẫn xanh lẫn màu lá, quả nào quả nấy đều tăm tắp mới thấy công sức của người trồng na bỏ ra không hề ít.

Theo anh Hậu, khi na chính vụ chuẩn bị thu hoạch, người trồng đã bắt đầu cắt cành, đón lộc hoa để chuẩn bị cho vụ na đông. Chỉ vào cây na quả sai lúc lỉu, anh Hậu giải thích: “Khi na chính vụ chuẩn bị thu hoạch, thân cây bắt đầu ra rất nhiều nhánh non, đó là lúc người trồng na tiến hành cắt cành cho cây nẩy hoa. Lúc này, người trồng phải biết cây na của mình khỏe hay yếu, còn sức hay không sau vụ chính mà để nhiều hay ít quả”. Theo như anh Hậu giải thích, nếu như trong vụ chính, cây na đã “gồng gánh” quá nhiều quả thì vào vụ na đông, người trồng sẽ để thưa quả để bảo đảm cây luôn khỏe, cho những quả na ngon nhất, chất lượng nhất. Nhiều cây có thể để 50 - 70 quả nhưng cũng có cây chỉ dám để 10 - 15 quả. Khi đã để đủ số quả cho mỗi cây, người trồng sẽ dọn dẹp sạch sẽ cành thừa để phòng trừ sâu bệnh, giúp cây dồn lực nuôi quả. “Cây na cũng giống như con người, nếu bắt làm việc quá sức, cây sẽ héo mòn, khó chăm sóc, cho quả kém cả về mẫu mã và chất lượng”, anh Hậu giải thích.

Tỉ mỉ thụ phấn  

Đi cùng chúng tôi, anh Hà Tuấn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm góp lời: “Sau cắt cành khoảng 1 tháng, cây sẽ ra hoa. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của vụ na đông nên người trồng tập trung hết tâm sức cho việc thụ phấn, bảo đảm tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng quả tốt”. Việc thụ phấn tưởng rất đơn giản nhưng lại là công việc vất vả nhất, có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng quả. Nếu mưa nhiều hoặc nắng to kéo dài, tỷ lệ đậu quả sẽ giảm đi, người trồng na lại phải đợi đợt hoa mới, vừa mất công sức vừa mất thêm tiền thuê nhân công. “Thụ phấn na không phải cứ ngắt bông này thụ phấn cho bông kia là được. Cây na có đặc trưng là nhụy đực và nhụy cái thường nở lệch pha nhau. Có khi nhụy đực nở xong, bung phấn rồi nhụy cái mới nở nên rất khó tự thụ phấn. Nếu tự thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng thì tỷ lệ đậu quả thấp, tỷ lệ quả lép cao. Vì thế, muốn quả to đều, không bị lép thì người trồng phải thụ phấn cho hoa. Phải chọn những bông hoa sắp nở có cánh màu vàng, dài, các cánh sắp tách khỏi nhau, nhụy đực có màu trắng kem để lấy phấn”, anh Hoàng giải thích.

Nhìn những vườn na bạt ngàn, tôi chưa tưởng tượng được người trồng na làm cách nào để thụ phấn cho từng bông được. Như hiểu được băn khoăn của tôi, anh Hậu cho biết có nhiều cách thụ phấn nhưng thông thường người trồng sẽ dùng hai phương pháp, đó là thụ phấn khô và thụ phấn ướt. Thấy tôi có vẻ vẫn chưa hiểu, anh Hậu giải thích thêm: "Từ chiều hôm trước, khi trời nắng ráo, người trồng na ngắt hoa cho vào rổ rồi để chỗ râm mát. Đợi khi hoa héo, chỉ cần lắc nhẹ là phấn hoa rụng xuống. Sau đó, phấn hoa được dồn lại, cho vào lọ nhựa. Khi thụ phấn, mỗi người thợ đeo một lọ phấn nhỏ ở cổ, tay cầm dụng cụ tự chế để bơm phấn vào từng nhụy hoa". Theo anh Hậu, cách thụ phấn này nhanh hơn, nhiều hơn nhưng hiệu quả thấp hơn nên nhiều người lại lựa chọn thụ phấn ướt vì phương pháp này cho tỷ lệ đậu quả cao hơn dù vất vả, kỳ công hơn nhiều. Tay ngắt nụ hoa vừa chín, anh Hậu cầm dụng cụ lấy phấn tự chế cạo phấn hoa, sau đó đưa sang nụ hoa khác bơm trực tiếp vào nhụy cái đang nở. Dụng cụ tự chế rất đơn giản, chỉ gồm một đoạn ống hút sữa và một chiếc bông ngoáy tai. Người trồng na sử dụng ống hút sữa cạo phấn chứa vào trong ống sau đó dùng bông ngoáy tai đặt phía dưới đẩy phấn "chấm" vào nhụy cái của bông hoa khác. Nhìn cách anh Hậu làm tôi mới thấy việc thụ phấn cho cây na quả thực rất mất thời gian, tốn nhiều công sức. "Nếu thời tiết không thuận lợi, người trồng na có khi phải làm vài đợt mới thụ phấn thành công. Do đây là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định đến tỷ lệ đậu cũng như chất lượng quả na nên người trồng phải thực sự cẩn thận, tỉ mẩn, nâng niu, chăm sóc từng bông hoa", anh Hậu cười nói. 

Có vườn na rộng khoảng 1 ha ở khu dân cư Hoàng Gián cũ (phường Hoàng Tiến), anh Hoàng Văn Phong cũng trang bị đầy mình kinh nghiệm trồng na đông. Cầm trên tay quả na khô đét, đen sì, anh Phong cho biết trước khi "chấm" hoa, người trồng không nên bón nhiều phân đạm. Nếu nhiều chất dinh dưỡng, cây na sẽ chỉ nuôi cành mà không nuôi quả. Quả na không có chất dinh dưỡng sẽ héo dần rồi chết khô trên cành. Thời điểm này, phải lựa chọn loại phân bón phù hợp để cây na dồn lực nuôi quả, tránh bị "đẩy quả", tức là quả héo khô như cách gọi của người trồng. Cũng theo anh Phong, để cây ra nhiều hoa, trước khi thu hoạch vụ na chính, người trồng nên phun thuốc "siêu nảy mầm" để cây bật nhiều nhánh, khả năng ra nhiều hoa hơn, tỷ lệ đậu quả lớn hơn. "Những kinh nghiệm này chúng tôi phải tích lũy, học hỏi sau hàng chục năm trồng và chăm sóc cây na. Đến giờ, na đông dần trở thành vụ chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn na chính vụ", anh Phong khẳng định. 


 Để có những quả na bảo đảm chất lượng, người trồng phải bỏ rất nhiều công sức 

Nhiều trăn trở

Theo anh Phong, dù cây na cho hiệu quả kinh tế cao nhưng việc trồng và chăm sóc na đông thực sự rất vất vả trong khi đầu ra lại chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hiện nay, người trồng vẫn phải tự vật lộn với vườn na của mình. "Người dân tự mày mò làm vụ na đông, tự lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho cây na. Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như cán bộ kỹ thuật rất hạn chế", anh Phong trăn trở. Cùng quan điểm với anh Phong, anh Nguyễn Văn Hậu cho biết ngoài nỗi lo đầu ra không ổn định, người trồng na còn nỗi lo khác là mua phải thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng cũng như phân bón không phù hợp cho cây na. "Nhiều lần sử dụng phải thuốc bảo vệ kém chất lượng khiến quả na giảm chất lượng, thương lái chê lên chê xuống. Chúng tôi mong cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, bảo đảm không còn thuốc kém chất lượng lưu thông trên thị trường", anh Hậu kiến nghị. 

Những năm gần đây, na là một trong những cây ăn quả chủ lực của TP Chí Linh với khoảng 800 ha. Giá trị cây na đem lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Na được trồng tập trung chủ yếu ở các phường Bến Tắm, Hoàng Tiến. Riêng phường Bến Tắm có khoảng 200 ha na đang cho thu hoạch. Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm Hà Tuấn Hoàng cho biết cây na được đưa về trồng trên địa bàn phường cách nay hơn chục năm. Trước đây, người dân thường làm thêm na gối vụ. Tuy nhiên, từ 3 - 4 năm nay người dân không làm na gối vụ nữa, chỉ trồng na chính vụ và na đông. "Na đông có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn na chính vụ nên giá bán cũng cao hơn, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân cũng lớn hơn. Vì vậy, hiện nay 100% diện tích na được người dân làm thêm vụ đông", anh Hoàng cho biết.

Cùng ý kiến với anh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Tiến Nguyễn Văn Cường cho biết là địa phương có diện tích trồng na lớn nhất thành phố nên hiệu quả cây na đem lại cho người dân phường Hoàng Tiến rất lớn. Cùng có những băn khoăn như những người trồng na, ông Cường cho rằng dù cây na có giá trị kinh tế lớn nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hiện chưa có chiến lược bài bản trong xây dựng thương hiệu, tiêu thụ quả na. Hai năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ na của người dân gặp nhiều khó khăn, giá giảm so với những vụ trước. Đây là bài học đắt giá để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp để giúp nông dân tiêu thụ thuận lợi, nâng cao giá trị cây na, khẳng định vị thế nông sản Hải Dương trên thị trường.  

VỊ THỦY