Dinh dưỡng trẻ em thời dịch bệnh
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:11, 03/10/2021
Thời gian qua, trẻ em ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đã phải nghỉ học trực tiếp trong thời gian dài để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, ở Hải Dương trẻ đã được đến trường nhưng phần lớn chỉ học 1 buổi/ngày. Ngoài ra, để phòng tránh dịch bệnh, các gia đình cũng hạn chế cho con em ra khỏi nhà, tránh tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người không hề nghĩ tới nguy cơ con em dễ trở nên thừa cân, béo phì hơn khi ở trong nhà thời gian quá lâu. Trong không gian sống đa phần không có chỗ cho trẻ chạy nhảy, lại được cha mẹ chăm sóc, bồi dưỡng kỹ, nguy cơ này gia tăng gấp đôi, gấp ba so với khi trẻ đi học tại trường. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất bình khi học online tại nhà mà trẻ cũng phải học môn thể dục, cho rằng như thế là thừa thãi. Điều này cho thấy nhiều người không ý thức được tầm quan trọng của vận động khi trẻ ở nhà thời gian dài.
Kết hợp bởi nhiều yếu tố, trong đó ý thức của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng khiến tình trạng trẻ thừa cân, béo phì ở nước ta đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở nước ta đã tăng gấp 2,2 lần trong 10 năm qua (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Và có đến 53% số cha mẹ không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức thực tế.
Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu, thống kê, tình trạng thừa cân, béo phì là yếu tố bất lợi khi bị mắc Covid-19, làm gia tăng nguy cơ tiến triển các triệu chứng nghiêm trọng. Vì vậy, trong thời gian phòng tránh dịch bệnh, trẻ ít được ra ngoài vận động, các bậc phụ huynh cần nâng cao hơn nữa ý thức về việc rèn luyện sức khỏe, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh nguy cơ béo phì, thừa cân cho trẻ.
Mặc dù trẻ chỉ ở trong nhà nhưng cha mẹ vẫn cần duy trì lịch sinh hoạt cố định cho con, không nên để trẻ thức khuya, dậy muộn. Cha mẹ nên tìm cách để con được vận động, vừa tốt cho sự phát triển thể chất vừa giúp trẻ bớt cảm thấy tù túng. Những gia đình có điều kiện có thể mua máy chạy bộ, xe đạp thể dục hoặc các dụng cụ thể dục thể thao tại chỗ. Nếu không có máy móc, dụng cụ hỗ trợ thì hướng dẫn, giám sát trẻ tập các bài tập thể dục tại chỗ. Leo cầu thang, làm việc nhà… cũng là những hoạt động giúp trẻ vận động tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống của con cho phù hợp. Thời gian ở nhà nhiều, nhiều bà mẹ trổ tài nấu nướng, đặc biệt thích việc làm bánh trái, đồ ngọt cho con ăn. Việc dung nạp quá nhiều tinh bột và đường không tốt cho sự phát triển của trẻ, làm gia tăng nguy cơ béo phì, thừa cân. Có thể trẻ chưa tăng cân ngay lập tức nhưng lâu ngày sẽ tạo thành thói quen ăn uống, ảnh hưởng tới tương lai trẻ sau này.
Ngày 25.9 vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ em Việt Nam với chủ đề “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI - Đồng hành dinh dưỡng cùng con trong mùa dịch”. Bộ Y tế cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó có mục tiêu quan trọng là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
THÁI HÒA