Yết Kiêu, Dã Tượng - Tấm gương sáng cho tinh thần xả thân vì nghĩa lớn

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 07:30, 03/10/2021

Dù thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội phong kiến nhưng với tài năng của mình, Yết Kiêu và Dã Tượng đã được triều đình trọng dụng, lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược.


Khu di tích đền Quát, nơi thờ danh tướng Yết Kiêu

Tài năng

Dưới triều Trần, tất cả các quý tộc và quan lại đều có gia nô (đầy tớ) trong nhà. Yết Kiêu và Dã Tượng là hai gia nô thân tín của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Với tài dùng người, Hưng Đạo Đại vương đã nhận ra tố chất của Dã Tượng và Yết Kiêu rồi tiến cử cho triều đình.

Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần hai và lần ba, vì Yết Kiêu có tài bơi lội nên được giao phụ trách đội Thủy binh, còn Dã Tượng là người có biệt tài thuần phục voi nên chỉ huy đội Tượng binh. Trong cuộc kháng chiến ấy, hai ông đã xả thân cứu chủ tướng thoát khỏi vòng vây của giặc và tham gia nhiều trận đánh lớn đánh bại Ô Mã Nhi, Toa Đô.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 45 có ghi lại rằng: Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thuỷ quân tan cả, Hưng Đạo vương định rút theo lối chân núi, Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền”. Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”. Ý nói người tài giỏi phần lớn cũng là nhờ những người xung quanh giúp sức, phò tá, nếu chỉ có một mình thì sao có thể làm nên sự nghiệp lớn.


Mặt khắc trong Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhắc đến công lao của Yết Kiêu và Dã Tượng (ảnh dưới, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Trung nghĩa

Không chỉ có tài dùng binh, Dã Tượng và Yết Kiêu còn là những người rất trung nghĩa. Hai ông đã một lòng trung thành và dám đưa ra lời khuyên Hưng Đạo vương nên bỏ mối thù nhà để toàn tâm dốc sức cứu nước. Cha của Hưng Đạo vương là An Sinh vương Trần Liễu có một mối hiềm khích với vua Trần Thái Tông nên trước lúc mất có trăng trối lại: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!”.

Mặc dù không cho đó là lời nói phải nhưng Hưng Đạo vương vẫn canh cánh trong lòng. Đến khi quân Nguyên sang xâm lược, vận nước lung lay, Hưng Đạo vương được trao quyền Quốc công tiết chế, nắm quyền binh trong tay, có lần Trần Quốc Tuấn đem chuyện đó hỏi người nhà và hai gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Trong khi người con trai khuyên nên thực hiện di nguyện đó thì Dã Tượng và Yết Kiêu lại can ngăn. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 32 và 33 có ghi lại lời can gián của Yết Kiêu và Dã Tượng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn rằng: “Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan". Quốc Tuấn nghe hai gia nô nói vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi. 

“Yết Kiêu” có nghĩa là loài chó săn mõm ngắn, còn “Dã Tượng” nghĩa là voi rừng. Chuyện lấy tên thú đặt cho gia nô, không bàn cũng đủ biết thân phận thấp kém như thế nào. Song, tận trung vì đại nghĩa cứu nước, ai dám bảo Yết Kiêu và Dã Tượng không thể sánh ngang với các bậc hào kiệt khác. Đúng như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói, sở dĩ có được các bậc anh hùng cái thế như chính Trần Quốc Tuấn, trước hết phải có được sự trợ thủ đắc lực của những người như Yết Kiêu và Dã Tượng. Vì vậy, ngày nay tên các ông vẫn được dùng để đặt nhiều tên đường phố trên khắp cả nước. Sau khi Yết Kiêu mất, nhớ đến công lao của ông, triều Trần đã cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì , nay là đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc). 

THƠM QUANG