Phòng chống tham nhũng, tiêu cực - Kiên quyết hơn trong nhiệm kỳ XIII

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 08:47, 03/10/2021

Công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Tuyên án các bị cáo trong vụ án xảy ra tại nhà máy Ethanol Phú Thọ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã được Đảng ta xác định là "Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, 'lợi ích nhóm', những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ..."

Công tác này đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiệm kỳ XII của Đảng và tiếp tục được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ XIII, khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh đội ngũ, làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch, vững mạnh.

Quyết liệt, nghiêm minh

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ ra những tồn tại: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước...”

Nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh, xây dựng và giữ vững đội ngũ cán bộ của Đảng trong sạch, vững mạnh, trong nhiệm kỳ XII, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy chế, quy định của Đảng, đã bị xử lý nghiêm khắc.

Công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.

Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Nhiều vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Đinh Ngọc Hệ; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, vụ án xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải Quân… đã được xét xử nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên; giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên.

Việc kiểm tra, giám sát tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm như: việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách và trong công tác cán bộ...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm. Điều đau xót là trong số các bộ bị kỷ luật, có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu...

Trong số các cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, không ít người có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Dư luận vẫn còn nhớ cách đây vài năm, một lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đã bị Ban Bí thư quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Nguyên nhân do vị lãnh đạo này bị phát hiện sống chung với người khác như vợ chồng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp. Ban Bí thư kết luận đó là hành vi vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm Quy định của Đảng về những việc đảng viên không được làm và về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Hay trường hợp lãnh đạo Bộ Tài chính đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Mới đây nhất, ngày 1.10, Ban Bí thư đã họp, quyết định khai trừ  đảng, cách tất cả chức vụ trong đảng đối với nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo cấp cao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (gồm 2 trung tướng, 5 thiếu tướng). Nguyên nhân được chỉ ra là do suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước…

Kiên quyết xử lý sai phạm

Với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm," không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn, việc xử lý nghiêm minh các vi phạm nhằm mục đích chính là làm cho tổ chức đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục. Công việc này đang được tiếp tục làm rốt ráo, quyết liệt ngay đầu nhiệm kỳ XIII của Đảng.

Phong, chong tham nhung, tieu cuc - Kien quyet hon trong nhiem ky XIII hinh anh 2

Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) nghe tuyên án. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Mới đây, Bộ Chính trị đã cho ý kiến vào Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng,” thống nhất tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”); khẳng định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, nên Ban Chỉ đạo phải có trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý triệt để.

Như vậy, khác với trước, Ban Chỉ đạo không những tập trung chỉ đạo các vụ án tham nhũng, mà nay sẽ trực tiếp điều hành việc chống tiêu cực nói chung, chống “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” nói riêng.

Đó là cơ sở cho những kỳ vọng về công tác phòng chống suy thoái đạt nhiều kết quả, có sự chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Để đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, theo Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Cao Văn Thống, cần tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban Kiểm tra các cấp chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm,” tiêu cực.

Công tác kiểm tra phải đi trước mở đường cho công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra để thúc đẩy, lan tỏa. Qua kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm kỷ luật Đảng, trong đó có vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) dự kiến họp vào đầu tháng 10.2021, Ban Chấp hành Trung ương sẽ nhìn lại, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30.10.2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để xây dựng dự thảo Báo cáo trình Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết,  Ban Tổ chức Trung ương đã chuẩn bị, chắt lọc thông tin từ báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, đồng thời lấy thêm ý kiến các chuyên gia.

Trong phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu phần đánh giá chung của báo cáo cần làm sâu sắc hơn, nhận định đúng tầm hơn, bám sát mục tiêu tổng quát Nghị quyết đã đề ra; đồng thời cần bổ sung thêm những bất cập trong cơ chế, chính sách, những vấn đề còn tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trong phần nhiệm vụ, giải pháp, Tổ biên tập cần nêu dự báo tình hình sát với thực tiễn, cập nhật thêm bối cảnh, tình hình mới, sau đó làm rõ hơn phương hướng thực hiện Nghị quyết trong nhiệm kỳ mới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết để thiết kế các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ở cấp độ cao hơn, kiên quyết hơn, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.

Theo TTXVN