"Lồng son" - Tình người còn mãi bao dung
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:46, 03/10/2021
Đọc tập “Lồng son” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021) của Trần Thúy Lành, người đọc sẽ bắt gặp những nhân vật, những phận người, những tình huống xảy ra trong cuộc sống thường nhật ở mỗi gia đình, trong làng, ngoài phố… Mỗi truyện ngắn trong tập “Lồng son” đều ẩn chứa những thông điệp sâu sắc về cách hành xử, cách sống khiến người đọc không khỏi suy ngẫm, đọng lại là tình người còn mãi bao dung.
Truyện ngắn trong "Lồng son" của Trần Thúy Lành viết về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ chuyện trong gia đình đến trường học, ngoài xã hội. Lĩnh vực nào cũng cho thấy tác giả dồi dào vốn sống, khả năng quan sát, phân tích tâm lý nhân vật rất sắc sảo.
Trần Thúy Lành thường đặt nhân vật trong những bối cảnh, hoàn cảnh khá nghiệt ngã, thậm chí trớ trêu, buộc nhân vật phải bước vào, vượt qua, nhằm làm nổi rõ tính cách, phẩm chất của họ, điển hình cho phương pháp nghệ thuật này như các truyện: “Những cây vừng nở hoa”, “Mưa bong bóng”, “Hồi hương”… Nhưng cũng có những truyện dường như Trần Thúy Lành không cần phải dụng công hư cấu, nó vẫn trở thành một tác phẩm văn chương đích thực vì trong những chuyện tưởng như quen thuộc, gần gũi ấy, tác giả đã phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn con người khuất lấp sau những xô bồ, toan tính của đời sống cơm áo gạo tiền, đó là "Cõi mê", "Người giúp việc", "Biển gọi"…
Văn của Trần Thúy Lành là thứ văn cô đọng, mạch truyện nhanh, dồn nén, đa thanh, đa chiều và điều quan trọng là khi cầm bút, tác giả đã thấm thía, hiểu sâu bối cảnh và nhân vật mình định viết nên chỉ bằng mấy nét tả, mấy câu kể, không gian truyện đã hiện ra rất sinh động, nhân vật đã hiển lộ, từ dáng đi điệu đứng đến giọng nói, ánh nhìn… như bằng xương bằng thịt, như ta đã từng gặp đâu đó trong đời sống hiện thực.
Một trong những yếu tố khiến truyện ngắn của Trần Thúy Lành ngắn mà không sơ lược, không đơn giản là bởi chị biết chọn cốt truyện, cốt truyện của chị có khi chỉ là một tình thế, một cảnh huống, như lát cắt đậm trong dòng chảy cuộc sống con người. Chị lại biết chọn tình tiết, chi tiết sao cho vừa đủ chuyển tải điều mình định nói với bạn đọc.
Những gì diễn ra trong tập truyện này đã được tác giả cô đúc, dồn nén, bình dị, không ồn ào. Tất cả tự nhiên như cuộc sống nhưng lại có sức gợi mở sâu xa. Truyện nào của chị cũng phả vào người đọc một điều gì đó tươi tắn, mới mẻ, mang ý nghĩa nhân sinh.
Nó tự nhiên như tác giả bê từng mảng cuộc sống ngoài đời đắp vào tác phẩm, khiến bạn đọc cảm giác như đang quan sát cuộc sống, quên đi rằng mình đang đọc tác phẩm văn chương. Có những ý tưởng, vấn đề từng có người viết, nhưng qua nhãn quan và ngòi bút của Trần Thúy Lành, tác phẩm vẫn mang lại cho bạn đọc một điều gì của riêng tác giả "Chỉ còn là ký ức", "Đêm trắng", "Ở trọ"…
Dồn 19 truyện ngắn vào cùng một tập sách mà không truyện nào hao giống truyện nào, truyện nhẹ nhàng, trữ tình, truyện gay gắt, dữ dội, truyện ly kỳ, hấp dẫn… Mỗi truyện một cốt truyện, một không gian mô tả, một ý tưởng và thông điệp nào đó, gây bất ngờ, khiến người đọc xúc động.
Truyện ngắn của Trần Thúy Lành thường rất giàu cảm xúc bởi dường như tác giả chỉ đặt bút viết tác phẩm khi nguồn cảm xúc dâng lên mãnh liệt và vốn hiểu biết đã thấu đáo. Ngay cả khi chị viết về những chuyện quái gở, hay kẻ phạm tội thì người đọc vẫn nhận thấy giá trị nhân văn cứ lan tỏa trong từng câu văn, con chữ.
Truyện ngắn nào trong “Lồng son” dường như cũng có nỗi đau. Khi nỗi đau hiện hữu, ai cũng nhìn thấy. Có khi nỗi đau âm thầm, lặn sâu trong tim. Nhưng đọng lại sau mỗi truyện ngắn là vẻ đẹp của tình người. Trần Thúy Lành đã làm cho truyện của mình ăm ắp tình người bởi những cái kết truyện hết sức nhân văn như một câu trong tác phẩm của chị: “Chừng nào sự sống vẫn tiếp diễn, tình người còn mãi bao dung”...
Có thể nói tập truyện “Lồng son” đã cho thấy Trần Thúy Lành là một cây bút truyện ngắn trưởng thành, khá vững về nghề. Đáng nói hơn, văn chương của chị đậm đà bản tính con người xứ Đông, nơi chị sinh ra, lớn lên và gắn bó với tâm hồn thuần hậu và giàu lòng trắc ẩn.
LÊ HOÀI NAM