Ăn chơi thời Covid-19, bốn dạng khách sẵn sàng chi tiền
Du lịch - Ngày đăng : 17:00, 03/10/2021
Hướng tới khách nhà giàu
Một nghiên cứu của Outbox Consulting chỉ ra rằng chục năm lại đây, hàng loạt khu nghỉ dưỡng hạng sang, đẳng cấp quốc tế được mở ra tại Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bùng phát, khách quốc tế đến Việt Nam bằng không, khách du lịch nội địa là thị trường khách duy nhất được tận hưởng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, dịch vụ ăn uống cao cấp và chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, trong năm 2020, khi các resort 5 sao ở Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng liên tục giảm giá với mức sâu, nhiều người Việt lần đầu tiên trong đời được thưởng thức dịch vụ chất lượng 5 sao với giá phải chăng.
Sự dịch chuyển này là phù hợp khi tầng lớp trung lưu, giàu có gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Theo dữ liệu từ báo cáo Wealth Report 2021 của công ty tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD, đứng thứ tư Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.
Khách nhà giàu có mức chi trả cao là đối tượng khách quốc gia nào cũng muốn đón |
Đồng thời, Việt Nam có tỷ lệ người có giá trị tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD tăng nhanh nhất thế giới và số lượng triệu phú ở Việt Nam tăng gấp 3 lần trong thập kỷ qua. Do việc du lịch ra nước ngoài bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch, nhiều resort cao cấp đã tận dụng cơ hội này để nhắm đến đối tượng khách nhà giàu Việt Nam - những người có thu nhập cao, đáp ứng được yêu cầu của họ về sự riêng tư, thoải mái, an toàn (tránh xa đám đông du lịch thông thường).
Chẳng hạn, năm 2020, trong khi nhiều resort liên tục phải đóng cửa để phòng chống dịch thì khu nghỉ dưỡng 5 sao Six Senses Ninh Vân Bay lại đón nhiều khách nhất từ trước đến nay với 41.627 lượt khách, tăng gần 5.000 lượt khách so với năm trước.
Tỷ lệ lấp đầy phòng bình quân đạt 58%, thời điểm cao nhất lên tới trên 92%. Giá phòng bình quân năm 2020 đạt 442 USD/đêm (khoảng 10 triệu đồng/đêm). Villa rẻ nhất đã gần 800 USD/đêm (khoảng 18 triệu đồng), đắt nhất có thể lên tới hơn 4.200 USD/đêm (hơn 100 triệu đồng).
Nhờ đó, khu nghỉ dưỡng sang chảnh này đón một lượng khách cao kỷ lục, thu về 9 triệu USD, lãi hơn 3 triệu USD.
Biệt thự ở resort 5 sao này đắt nhất lên tới hơn 4.200 USD/đêm (hơn 100 triệu đồng). Ảnh: Ng.Hà |
Đó là chưa kể đến dòng khách siêu sang, tên tiếng Anh là "ultra-luxury tourism", "super-rich tourism" mà Việt Nam gần như chưa chạm tới được.
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không, cho hay đây là phân thị du lịch cao cấp nhất mà mọi nền kinh tế du lịch trên thế giới đều mơ ước. Trong ngành du lịch Việt Nam, phân thị này gần đây bắt đầu được để ý và trong giới đầu tư du lịch đã có những cuộc trao đổi nghiêm túc.
Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng du khách khó chiều nhất. Những du khách siêu giàu thường thích ở siêu dinh thự; đi lại bằng máy bay riêng; di chuyển giữa sân bay với điểm du lịch bằng trực thăng VIP; chơi du thuyền; thích nghệ thuật và thích hàng hiệu.
Ông Lương Hoài Nam cho rằng Việt Nam sẽ phải làm rất nhiều việc đồng bộ để thu hút được đối tượng khách siêu giàu này. Ví dụ, làm sao để khách quyết định chọn đến Việt Nam đầu tiên thay vì các nước khác, hay cần làm gì để biến Việt Nam thành điểm đến du lịch siêu sang như Địa Trung Hải, Caribe...
Khách sự kiện và du lịch cộng đồng
Cùng với du lịch hạng sang, du lịch MICE (hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế đáng kể trên mỗi du khách cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng như điểm đến, theo Outbox Consulting.
Du lịch MICE đem lại nguồn thu gấp 4-6 lần các loại hình du lịch khác |
Tổng cục Du lịch cho hay khoảng 20% trong 10 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2016 là khách MICE. Trung bình mỗi khách MICE châu Âu chi tiêu 700-1.000 USD, khách châu Á chi tiêu hơn 400 USD. Lượng khách MICE ở các công ty lữ hành trung bình tăng 10-15% mỗi năm.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá với mức chi tiêu này, doanh thu từ loại hình du lịch MICE có giá trị cao gấp 6 lần các loại hình khác, thời gian lưu trú của khách MICE dài gấp 3-4 lần khách du lịch thông thường.
Do đó, nhiều nhà khai thác du lịch đang nhắm tới phát triển các sản phẩm du lịch MICE mới và thực hiện các chương trình quảng bá nhắm đến phân khúc này. Ví như, Vietnam TravelMart, ngoài thị trường truyền thống, năm nay bắt đầu đón các nhóm khách 100-200 người trong phân khúc MICE. Flamingo Redtour tận dụng các khu nghỉ dưỡng ở Đại Lải (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng) để đẩy mạnh đón khách hội nghị, hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng... Một số doanh nghiệp lữ hành và khách sạn cũng hợp tác để đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá.
Trước đó, TP Đà Nẵng đã cam kết ngân sách 300 tỷ đồng (13 triệu USD) để thu hút 100 đoàn khách MICE đến thành phố trong năm 2021.
Du lịch cộng đồng vẫn thu hút khách ngay trong đại dịch |
Một phân khúc khác dự kiến cũng thu hút khách thời đại dịch là du lịch cộng đồng, bởi đây là những nơi nghỉ dưỡng vắng vẻ, không khí trong lành, gần gũi thiên nhiên, tránh xa đông đúc phố thị. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh, một số resort ở Hòa Bình như Mai Châu Hideaway, Avana Retreat... vẫn rất đông khách, thậm chí còn quá tải dịp cuối tuần. Hay xã Hợp Thành, một xã ở phía Bắc xa xôi, vẫn đón lượng khách ổn định từ TP Lào Cai.
Giám đốc một đơn vị lữ hành tin tưởng du lịch nông thôn và du lịch cộng đồng có tiềm năng phát triển vô hạn khi hướng tới người dân thành thị tại 87 thành phố của Việt Nam.
Ngoài ra, “staycation”, hay du lịch tại chỗ, cũng là xu hướng du lịch mới giúp giảm thiểu tình trạng mắc kẹt ở nhà quá lâu do dịch bệnh, giải quyết nhu cầu dồn nén của du khách. Việc giảm giá cho người dân trong nước tại các điểm du lịch đã góp phần kích cầu du lịch tại chỗ.
Điển hình, thời gian qua, nhiều chuỗi khách sạn sang trọng tại Hà Nội đã cung cấp các gói staycation để du khách Thủ đô tận hưởng dịch vụ 5 sao giá mềm. Các điểm tham quan như Công viên Ấn tượng Hội An, Bà Nà Hill hay dịch vụ cáp treo Phanxipang cũng đưa ra mức giá đặc biệt, khuyến khích người dân địa phương tham gia.
Theo Vietnamnet