Những "trợ thủ" đắc lực của ngành điện

Kinh tế - Ngày đăng : 15:21, 04/10/2021

Thời gian qua, ngành điện Hải Dương đã ứng dụng nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại trong quản lý vận hành lưới điện giúp kịp thời phát hiện, xử lý sự cố.


Nhân viên Đội quản lý lưới điện cao thế dùng camera nhiệt để kiểm tra đường dây

Hiện tại, Điện lực Thanh Miện đang quản lý, vận hành hơn 209 km đường dây trung áp và 470 km đường dây hạ áp, 275 trạm biến áp phân phối có tổng công suất 128.340 kVA. Từ khi đơn vị được trang bị camera nhiệt, việc kiểm tra lưới điện đã dễ dàng hơn nhiều. Thiết bị có màn hình cảm ứng và camera hồng ngoại để đo độ phát nhiệt, phóng điện của các thiết bị, các điểm đấu nối... Ngay sau khi có kết quả đo nhiệt và ứng dụng phần mềm phân tích ảnh nhiệt, đơn vị chủ động lên kế hoạch xử lý ngay các vị trí bất thường để phòng ngừa sự cố thiết bị có thể xảy ra, tránh tình trạng bị động như trước đây. Điện lực Thanh Miện cũng sử dụng hiệu quả thiết bị bay giám sát (flycam) để kiểm tra, chụp ảnh gần các thiết bị điện, đường dây trên không mà mắt thường không phát hiện được.

Đội sửa chữa điện Hotline là một trong những đơn vị được trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công nghệ sửa chữa điện "nóng". Phải sửa chữa điện trong điều kiện đường dây đang mang điện nên ngoài kỹ năng của các thành viên thì thiết bị hỗ trợ đóng góp vai trò rất quan trọng. Thay vì xe ô tô nâng bình thường, đội Hotline được trang bị xe tải gàu cách điện nhập khẩu nguyên chiếc. Mỗi công nhân được trang bị găng tay, vai áo cao su cách điện 22 kV, mũ, giày bảo hộ và các dụng cụ lao động đặc biệt khác. Khi thao tác trên lưới, các thành viên của đội sẽ được bảo vệ an toàn ở nhiều cấp độ từ xe cách điện, gàu cách điện cho đến găng tay cách điện. Những dụng cụ này đã giúp đội Hotline hoàn thành khoảng 120 phiên đấu nối, sửa chữa hotline...

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đang quản lý vận hành hơn 387 km đường dây và 18 trạm biến áp 110 kV; hơn 12.700 km đường dây và 4.986 trạm biến áp trung thế; hơn 5.130 km lưới điện hạ thế. Nếu không có các thiết bị hỗ trợ thì việc quản lý vận hành lưới điện sẽ tốn nhân lực và thời gian. Trước đây, việc kiểm tra được thực hiện thủ công bằng cách quan sát, theo dõi bằng mắt thường để phát hiện các bất thường trên đường dây hoặc thiết bị điện. Thậm chí có điểm phải thực hiện kiểm tra ban đêm để có thể phát hiện được các vị trí mối nối tiếp xúc kém khi có phát sinh tia lửa điện hoặc phóng hồ quang điện. Vì vậy, công ty đã sớm trang bị các thiết bị hỗ trợ cho các đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu quả làm việc. "So với kiểm tra bằng mắt thường thì qua camera nhiệt và flycam có tính ưu việt hơn. Chúng tôi có thể dễ dàng phát hiện những khiếm khuyết tại một số phụ kiện đường dây, vị trí cột. Thậm chí ở những nơi có địa hình phức tạp, khó quan sát thì các thiết bị vẫn ghi lại được hình ảnh sắc nét giúp nhân viên điện lực có thể thông qua đó phân tích, đánh giá mức độ an toàn của lưới điện, kịp thời khắc phục khi có khiếm khuyết xảy ra", ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Điện lực Thanh Miện cho biết.

Với các "trợ thủ" đắc lực này, ngành điện đã chủ động phát hiện các điểm dễ xảy ra sự cố, góp phần tăng năng suất lao động cũng như nâng cao chất lượng nguồn điện phục vụ khách hàng.

THANH HOA