Đảng muốn mạnh thì phải chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 12:04, 06/10/2021

Tại Hội nghị Trung ương 4 lần này, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục là một trọng tâm được thảo luận.

PGS.TS Lê Quốc Lý 

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng xây dựng và chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, Đảng cầm quyền muốn mạnh thì phải luôn luôn chỉnh sửa và hoàn thiện mình.

-Thưa ông, vì sao Hội nghị Trung ương 4 lần này tiếp tục đặt ra vấn đề đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ?

Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã tiến hành qua mấy kỳ đại hội, đã ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, nhưng vẫn chưa thể nói là thành công hoàn toàn. Trên thực tế vẫn còn hàng loạt vụ việc tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước đã được phát hiện, xử lý những năm qua.

Từ sau Đại hội XIII đến nay, Trung ương đã kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và trong tháng 9 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2020 phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. 

Đến ngày 1.10, xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã quyết định cảnh cáo Ban thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam, khai trừ đảng 2 tướng, cách hết tất cả chức vụ trong đảng của 7 tướng lĩnh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. 

Đó là những vụ việc đã phát hiện ra, còn nhiều vụ việc khác chúng ta đang trong quá trình đấu tranh, chắc chắn sẽ phát hiện ra.

Nếu không đấu tranh, chỉnh sửa, hoàn thiện tổ chức, không loại bỏ những cán bộ tiêu cực, thoái hóa, biến chất ra khỏi hệ thống thì Đảng sẽ không còn sức mạnh chiến đấu. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 đặt ra vấn đề tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đây là công việc hệ trọng, cấp bách.

Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, một mặt phải chống các biểu hiện tham nhũng, mặt khác phải chống suy thoái, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. 

Chẳng hạn, trong công tác chống dịch thời gian qua cũng có biểu hiện suy thoái, nhiều lãnh đạo địa phương "co vòi" lại, không dám hành động vì hành động phải chịu trách nhiệm. Mở cửa, đóng cửa trong chống dịch đều sợ trách nhiệm, nhiều cán bộ không dám làm, không có sự sáng tạo. 

Cũng trong công tác chống dịch, có cán bộ địa phương lợi dụng dịch bệnh để tham nhũng, làm giàu cho mình. Nhiều người để được tiêm vaccine sớm phải chi cho cán bộ cơ sở 1-2 triệu để được chen ngang, hay có phường bắt dân nghèo ký nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng nhưng chỉ phát cho dân có 500.000 đồng. 

Trong lúc nước sôi, lửa bỏng này, những biểu hiện tha hóa, tiêu cực, tham nhũng dù là nhỏ nhất cũng phải xử lý nghiêm khắc.

-Kinh tế đất nước ngày càng phát triển, lương cán bộ ngày càng cao, đời sống cán bộ, đảng viên ngày càng được cải thiện, vì sao các biểu hiện suy thoái, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện ngày càng nhiều, thưa ông?

Cám dỗ càng lớn thì cán bộ cũng dễ bị sa ngã hơn. Đảng ta và tất cả các đảng cách mạng khác trong quá trình lãnh đạo đất nước đều đối mặt với thực trạng này. Và muốn xây dựng Đảng vững mạnh, mỗi đảng viên phải có sức đề kháng trước cám dỗ vật chất để không sa ngã.

Thực tế đảng nào, bộ máy cầm quyền nào cũng đều bị thu hút bởi sự hấp dẫn của vật chất, muốn vượt qua thì buộc phải thanh lọc nội bộ, phải chỉnh đốn đảng. 

Nhiều cán bộ thấy lợi ích là rẽ ngang, nên Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn đội ngũ, loại bỏ những cán bộ cơ hội, rẽ ngang. Hội nghị Trung ương 4 tiếp tục đặt ra vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ, không có đảng cầm quyền nào làm một lần xong được.

Trên con đường Đảng lãnh đạo đất nước tiến về phía trước, luôn luôn có những cán bộ, đảng viên thoái trào, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Chuyện 9 tướng lĩnh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bị kỷ luật vừa qua cho thấy con đường Đảng lãnh đạo đất nước phát triển đầy gian nan, vất vả. 

Đảng đã nhận thấy đây là quy luật khách quan, cho nên không vì một số tướng lĩnh vi phạm, bị kỷ luật mà nghĩ cả bầu trời đen. 

Đây chỉ là những "vết bẩn" đang được Đảng "tẩy trắng" để giữ bầu trời trong sáng. Nó cũng cho thấy quyết tâm của Đảng - chống tham nhũng là không có vùng cấm. 

Góp phần xây dựng Đảng luôn vững mạnh, có sức chiến đấu. Nó thể hiện quá trình đấu tranh, tự sửa sai để thành một Đảng tiên phong, được nhân dân tin tưởng.

-Theo ông, tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm thời gian qua mang lại điều gì?

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực suốt nhiều năm qua, Đảng không bao che, né tránh. Dù là ai, cán bộ cấp cao, hay tướng lĩnh quân đội, công an thì khi mắc khuyết điểm đều bị kỷ luật nghiêm khắc, xử lý trách nhiệm đến nơi, đến chốn. Đảng làm được điều này cho thấy sức chiến đấu của Đảng còn vững mạnh, nếu không phát hiện, không đấu tranh được với tham nhũng, tiêu cực trong chính đội ngũ của mình thì sức chiến đấu rất yếu.

Việc xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh trong hàng ngũ thời gian qua rõ ràng không vui được, nhưng cũng không thể không làm. Không ai vui vì trong đội ngũ có những người rẽ ngang. Điều đáng mừng là Đảng dám đấu tranh với chính mình, dám cắt bỏ những u nhọt ngay ở "cánh tay, gót chân" của mình để khỏe mạnh hơn. Như vậy, Đảng mới có đủ niềm tin để lãnh đạo nhân dân đi đến thắng lợi trong tương lai.

-Vừa rồi Bộ Chính trị đã quyết định mở rộng trọng tâm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tại Hội nghị Trung ương 4 lần này, Trung ương cũng xem xét sửa quy định về những điều đảng viên không được làm, ông có kỳ vọng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có bước đột phá trong thời gian tới?

Tiêu cực gây tệ hại không kém gì tham nhũng, chung quy cuối cùng cũng làm cho Đảng mất sức chiến đấu, không còn niềm tin trong nhân dân, làm cho Đảng mất dần sự lãnh đạo với nhân dân. Những biểu hiện tiêu cực của đảng viên nếu không sớm được ngăn chặn sẽ nuôi những mầm mống thoái hóa, biến chất, phá hoại Đảng, có nguy cơ làm sụp đổ chế độ.

Bên cạnh đó, việc Trung ương cho ý kiến về việc sửa quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm tại Hội nghị Trung ương 4 lần này là phù hợp với thực tiễn của tình hình mới. 

Quy định này đã ban hành được 10 năm, trong khi thời gian qua chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ. Đảng đã rút được những bài học kinh nghiệm nên cần phải quy định cái gì cụ thể hơn, rõ hơn, dễ thực hiện hơn.

Tại hội nghị lần này, Trung ương dành nhiều thời gian thảo luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi tin công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới sẽ có hiệu quả tốt hơn. Tất nhiên, hội nghị không giải quyết được tất cả các vấn đề nên Đảng sẽ phải tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng trên con đường lãnh đạo nhân dân đi tới thắng lợi cuối cùng.

Theo Tuổi trẻ