Cần chương trình tổng thể giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Kinh tế - Ngày đăng : 17:14, 07/10/2021
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề và gây thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực nói riêng.
Để có thể từng bước giúp nền kinh tế phục hồi và các doanh nghiệp được tái vận hành, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, không ai khác, chính doanh nghiệp biết họ cần gì, muốn được hỗ trợ như thế nào để có thể nhanh chóng phục hồi.
"Đã tới lúc cần một chương trình tổng thể và doanh nghiệp cùng VCCI cần đưa ra những đề xuất cũng mang tính tổng thể để Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách, chiến lược giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển. Có thể đặt ra những vấn đề như: huy động chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ra sao; triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội như thế nào và cần trợ lực gì giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và tăng trưởng...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh mục đích tri ân những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân 13.10, cuộc gặp mặt lần này cũng sẽ tổng hợp, ghi nhận những ý kiến, đề xuất và hiến kế của các doanh nghiệp, các hiệp hội và địa phương để bàn giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Đây cũng là cơ hội để VCCI, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chủ tịch Quốc hội những ý tưởng, sáng kiến và đề xuất các giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và phục hồi ngay sau đại dịch; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho hay, vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, trong thời gian qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước hiện có khoảng từ 7 - 8 triệu doanh nhân.
Đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng; triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội có vai trò và đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ; từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Vietcombank, BIDV, Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Vinamilk....
Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 của Tạp chí Forbes. Với quy mô xuất khẩu năm 2020 đạt 281 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 544 tỷ USD, Việt Nam đã vươn lên vị trí 22 và 26 trên thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế. Theo báo cáo tháng 6.2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 98,8 tỷ USD, đứng thứ 26 thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Công cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, giới doanh nhân Việt Nam có thể tự hào vì đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước".
Theo ông Công, trong mối tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao. Còn một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân hạn chế về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của giới doanh nhân.
Để thực hiện được sứ mệnh Bác Hồ đã trao cho giới doanh nhân 76 năm trước vào ngày 13.10.1945 là: “Xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” cũng như, để thực hiện mục tiêu, khát vọng của dân tộc đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong thời gian tới, trước hết là trong nhiệm kỳ tới 2021-2026, VCCI và giới doanh nhân Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện.
Theo đó, giới doanh nhân sẽ cần phải có tư duy, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và các giải pháp mới, đặc biệt, cần bắt tay ngay vào xây dựng các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh với bản sắc riêng của giới doanh nhân Việt Nam và lấy đó làm nền tảng đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sức mạnh mới của giới doanh nhân Việt Nam.
Ông Công nhấn mạnh: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với niềm tự hào Ngày Doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, động viên kịp thời của Quốc hội, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ, ngành, giới doanh nhân Việt Nam tin tưởng và khẳng định, sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó, đóng góp vào thắng lợi của nước ta trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Theo TTXVN