Trên 120.000 trẻ em Mỹ mồ côi vì COVID-19
Tin tức - Ngày đăng : 20:52, 07/10/2021
Giám đốc của một nhà tang lễ xếp hoa trên quan tài trước một buổi lễ ở thành phố Tampa, bang Florida, Mỹ
Theo hãng tin AP, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Nhi hôm 7.10 cho thấy trong 15 tháng đầu tiên diễn ra đại dịch COVID-19, trên 120.000 trẻ em Mỹ đã mất cha mẹ hoặc ông bà, người chăm sóc và hỗ trợ tiền bạc chính. 22.000 đứa trẻ khác đã mất người chăm sóc phụ, chẳng hạn ông bà, người chu cấp nhà ở nhưng không chu cấp các nhu cầu cơ bản khác cho đứa trẻ.
Nghiên cứu cũng cho biết khoảng 32% trẻ em mất người chăm sóc chính là người gốc Tây Ban Nha và 26% là người da màu. Người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người da màu chiếm tỷ lệ nhỏ trong dân số. Trong khi đó, trẻ em da trắng chiếm 35% số trẻ em mất người chăm sóc chính, mặc dù hơn một nửa dân số Mỹ là người da trắng.
Sự khác biệt này được ghi nhận rõ hơn tại một số bang. Tại California, 67% trẻ mất người chăm sóc chính là người gốc Tây Ban Nha. Nghiên cứu cho thấy ở Mississippi, 57% trẻ em mất người chăm sóc chính là người da màu.
Một trong những tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Alexandra Blenkinsop tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Những phát hiện này đã làm nổi bật sự thật rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch và các em cần có thêm các nguồn hỗ trợ”.
Số liệu của nghiên cứu mới này dựa trên mô hình thống kê sử dụng tỷ lệ sinh, số liệu thống kê tử vong và dữ liệu thành phần hộ gia đình để đưa ra ước tính.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của liên bang vẫn cung cấp đủ thông tin có bao nhiêu trẻ mồ côi đã được chăm sóc thay thế trong năm ngoái. Các nhà nghiên cứu ước tính COVID-19 đã làm tăng 15% số trẻ em mồ côi.
Một nghiên cứu khác trước đó ước tính rằng khoảng 40.000 trẻ em Mỹ đã mất cha hoặc mẹ do COVID-19 tính đến tháng 2.2021. Ông Ashton Verdery, tác giả của nghiên cứu này, cho biết kết quả của hai nghiên cứu không phải là không nhất quán.
Verdery và các đồng nghiệp của ông chỉ tập trung nghiên cứu một khoảng thời gian ngắn hơn so với nghiên cứu mới. Nhóm của Verdery cũng chỉ tập trung vào các ca tử vong của cha mẹ những đứa trẻ, trong khi nghiên cứu mới ghi nhận cả những trường hợp tử vong của ông bà chăm sóc chúng.
“Điều rất quan trọng là phải tính đến cả ông bà. Nhiều đứa trẻ đang sống với ông bà”, ông Verdery nói.
Hồi tháng 7, Tạp chí Y khoa The Lancet cũng đã công bố nghiên cứu về những tác động thứ phát của đại dịch. Phân đích đầu tiên là về những đứa trẻ mồ côi trong đại dịch COVID-19. Nghiên cứu nhận định, mặc dù có nhiều yếu tố nhưng tỷ lệ tiêm vaccine thấp là một phần nguyên nhân sẽ khiến có thêm hàng triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi.
Tại Mỹ, mặc dù có sẵn các loại vaccine hiệu quả nhưng việc nhiều người trì hoãn hoặc ngần ngại tiêm vaccine đang không chỉ khiến những đứa con dưới 12 tuổi của họ gặp rủi ro mà còn có thể khiến tuổi thơ của chúng bị hủy hoại bởi sự sợ hãi và ly tán khi cha mẹ chúng qua đời vì COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều trẻ em trở thành những đứa trẻ mồ côi.
Seth Flaxman, một trong những tác giả nghiên cứu của Lancet cho biết: “Đại dịch COVID-19 vượt ngoài tầm kiểm soát đã thay đổi đột ngột và vĩnh viễn cuộc sống của những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”. Theo ông, những đứa trẻ này “sẽ trưởng thành với sự mất mát sâu sắc bởi những điều đã trải qua”.
Bà Emily Smith-Greenaway, Phó giáo sư Xã hội học và Khoa học không gian tại Đại học Văn thư, Nghệ thuật và Khoa học USC Dornsife, cũng có quan điểm tương tự. Bà cho biết những hậu quả tiêu cực liên quan đến cái chết của cha mẹ những đứa trẻ sẽ rất khó biến mất: “Chúng kéo dài đến tuổi trưởng thành, thậm chí cả khi lớn hơn”.
Smith-Greenaway nói rằng những cái chết đột ngột của cha mẹ do COVID-19 có thể đặc biệt gây tổn thương lớn cho trẻ em. Thực tế, điều này xảy ra vào thời điểm xã hội bị cô lập, khó khăn về kinh tế và trường học đóng cửa có thể khiến nhiều trẻ em phải trải qua nỗi mất mát to lớn mà có sự hỗ trợ về mặt tinh thần và tình cảm.
Bà cho rằng chính phủ nên bắt đầu thu thập danh sách những đứa trẻ đã mất cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc chính. Từ đó, kết nối chúng với các dịch vụ hỗ trợ, tương tự như nỗ lực hỗ trợ các gia đình sau thảm kịch 11/9.
Hiện nay, xã hội Mỹ chưa hành động đủ để bảo vệ những trẻ em này về cả vật chất. Cha mẹ qua đời thường có nghĩa là con cái ở lại mất ổn định tài chính. Ước tính chưa tới 50% trẻ em mất cha/mẹ nhận trợ cấp an sinh xã hội dành cho người còn sống mà lẽ ra các em được hưởng.
Ông Verdery nói: “Những trẻ em này đang đối mặt với quá nhiều điều. Chúng ta thì còn chưa kết nối các em với những khoản trợ cấp mà các em được hưởng”.
Với hơn 4,8 triệu người tử vong vì COVID-19, dịch bệnh này đã định hình lại thế giới nhưng tàn nhẫn nhất là với các gia đình mà những đứa trẻ còn chưa đủ 18 tuổi. Trên toàn cầu, ít nhất 1,5 triệu trẻ em đã mất cha mẹ hoặc người chăm sóc. Mỹ chỉ đứng sau Mexico, Ấn Độ và Brazil về số trẻ em mất cha mẹ hoặc người chăm sóc trong đại dịch COVID-19. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi biến thể Delta dễ lây nhiễm hiện nay đang lây lan nhanh chóng ở những người dưới 50 tuổi, những người mà con cái của họ có thể vẫn còn phải phụ thuộc vào họ.
Theo báo Tin tức