Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Hai nhiệm vụ song hành
Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 16:31, 08/10/2021
Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, ngay chủ đề của Đại hội XIII đã nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đây cũng là nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo để “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh."
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) là tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và đề ra những biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tiếp tục thực hiện nghị quyết này trong thời gian tới.
Trong 3 khóa liên tiếp gần đây (Đại hội X, XI, XII), ngay sau khi hoàn thiện tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, tại hội nghị đầu tiên của mỗi khóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều tập trung cho công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Đảng đề cập một cách thường xuyên và toàn diện. Đại hội XI của Đảng xác định “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” làm một trong những thành tố quan trọng của chủ đề Đại hội.
Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và sự sống còn của chế độ đã được Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định.
Vấn đề cốt lõi xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh” được đưa ngay đầu tiên trong chủ đề của Đại hội cho thấy tầm quan trọng của công tác này đã được Đảng xác định rất rõ. "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được xếp vị trí đầu tiên trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ XII.
Cùng với nhiệm vụ "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ," Đảng đã chỉ rõ trong nhiệm kỳ XII tập trung "Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu."
Kế thừa tinh thần của các đại hội trước đó, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chủ đề Đại hội XIII đã phát triển nội dung “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” của Đại hội XII thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh."
Điểm mới lần này là đã bổ sung “xây dựng hệ thống chính trị” cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực tế cho thấy, việc xác định xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hạt nhân, quan trọng bởi Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Các vị trí chủ chốt của Nhà nước và hệ thống chính trị của đất nước đều do Đảng lãnh đạo, giới thiệu các đảng viên ưu tú ứng cử vào các vị trí đó, qua đó phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ
Trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng hơn 90 năm qua, cán bộ và công tác cán bộ luôn là vấn đề trọng yếu, có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19.5.2018) và kết luận về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó xác định đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Trung ương XII đã xác định hai trọng tâm và năm đột phá.
Trong hai trọng tâm, một là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.
Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4.8.2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 4.8.2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (nay là Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2.1.2020); Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19.12.2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8.3.2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Bộ Chính trị đã có Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 6.6.2018 để thực hiện Nghị quyết; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30.5.2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25.2.2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23.9.2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền... Ban Bí thư ban hành Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17.8.2016 về xác định tuổi của đảng viên; Kết luận số 55-KL/TW, ngày 15.8.2019 về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.
Trong quản lý có sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Đánh trúng vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cán bộ của Đảng, nhiệm kỳ XII, lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng, Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành. Đây cũng là lần đầu một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Sự ra đời của Quy định 205-QĐ/TW đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Lần đầu tiên, một văn bản của Đảng đã quy định, chỉ rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.
Ông Hoàng Trọng Hưng, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, cho biết trên thực tế, một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Việc chỉ rõ những biểu hiện chạy chức, chạy quyền như trong Quy định 205-QĐ/TW làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Cùng với đó, Quy định đã bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Người bị khai trừ ra khỏi Đảng sẽ bị xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì hồ sơ sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…
Việc ban hành, thực thi nghiêm túc Quy định 205-QĐ/TW là hành động quyết liệt của Đảng trong nhiệm kỳ XII để giải quyết vấn đề tồn tại từ rất lâu, được chỉ ra trong nhiều văn bản của Đảng, đó là tệ thao túng quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt trong công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với những văn bản hệ thống hóa chặt chẽ về công tác cán bộ cùng những điểm sáng trong nhiệm kỳ XII để chống chạy chức chạy quyền đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất để cụ thể hóa những quyết sách của Đảng vào cuộc sống.
Theo TTXVN