"Gian nan thử sức"
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 09/10/2021
Gần 2 năm qua, doanh thu của doanh nghiệp này giảm hơn 60% so với thời điểm chưa có dịch bệnh. Đơn hàng lúc có, lúc không, công nhân làm việc cầm cự. Nhiều người đã bỏ doanh nghiệp tìm công việc mới. Khó khăn như vậy nhưng anh này không bỏ cuộc. Thời gian gần đây, anh đôn đáo tuyển dụng thêm lao động, tìm kiếm đối tác và đơn hàng mới. Anh bảo dù phải bán đất, bán xe anh cũng làm để cứu doanh nghiệp vì không chỉ cứu mình mà còn là cách trả ơn những lao động đã không bỏ anh đi khi gặp khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương thời gian qua đã gặp không ít khó khăn khi vừa sản xuất vừa phải đối phó với dịch bệnh. Doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Một số doanh nghiệp phải cho công nhân, lao động nghỉ việc luân phiên. Đó còn chưa kể doanh nghiệp phải chịu thiệt hại không nhỏ khi không may có người lao động bị mắc Covid-19.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", trải qua khó khăn, doanh nghiệp càng phải khẳng định bản lĩnh của mình. Hiện không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã bắt đầu thay đổi mô hình quản lý. Thay vì bộ máy văn phòng cồng kềnh với nhiều nhân viên thì nay doanh nghiệp thực hiện chiến lược giảm nhân công nhưng không giảm công việc. Họ tìm cách khai thác tối đa tiềm năng của người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng mô hình quản lý công việc theo hình thức trực tuyến, văn phòng từ xa, sẵn sàng làm việc linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh...
Khi doanh nghiệp quyết tâm vượt khó thì sự hỗ trợ của Nhà nước thời điểm này sẽ thêm động lực cho doanh nghiệp sớm "chữa lành vết thương", phục hồi và phát triển. Thời gian gần đây, nhất là trong tháng 9 và tháng 10, Chính phủ liên tiếp ban hành những chính sách nhằm hồi phục nền kinh tế, hỗ trợ công nghiệp phát triển và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đáng chú ý là Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 được ban hành trong tháng 9. Nghị quyết đã đánh giá một cách khách quan những khó khăn mà nền kinh tế đất nước đã trải qua suốt thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh để đề ra những giải pháp cụ thể, rõ ràng. Đây cũng là "liều thuốc" để giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, có sức để phát triển. Trong nghị quyết này, Chính phủ đã đề cao vai trò chủ động của các địa phương trong việc quyết định cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đáp ứng được các yêu cầu an toàn trong phòng chống dịch bệnh và linh hoạt tìm các giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp "dưỡng thương" và phục hồi. Thực hiện mục tiêu trên, trong những cuộc họp và kiểm tra gần đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh liên tục yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường trao đổi, tháo gỡ ngay những khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã nỗ lực triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho rất nhiều lao động của các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương cũng đã bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thích ứng với tình hình dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện mới.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp và hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mà cần sự sẻ chia của người lao động. Khi doanh nghiệp phục hồi, người lao động sẽ có công việc, thu nhập ổn định và giảm gánh nặng cho xã hội khi thời gian qua phải gồng mình vượt qua đại dịch.
Có thể coi đại dịch Covid-19 là phép thử để chứng tỏ bản lĩnh của doanh nghiệp. Không để đại dịch “kìm chân”, các doanh nghiệp Hải Dương đã cố gắng cần cố gắng hơn nữa, đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa để khẳng định bản lĩnh của mình.
HẢI MINH