Viên ngọc bị ẩn giấu của đế chế La Mã

Khám phá - Ngày đăng : 10:33, 12/10/2021

Leptis Magna đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ vì xung đột và chiến tranh ở Libya. Nhưng tàn tích của La Mã đang dần hồi sinh sau một năm không còn bom đạn trên quốc gia Bắc Phi.



Tọa lạc bên bờ Địa Trung Hải, Leptis Magna là một trong những thành phố đẹp nhất dưới thời đế chế La Mã. Đây còn là quê hương của hoàng đế Septimius Severus (193-211), nhà cai trị đã tiến hành các chiến dịch quân sự trên khắp châu Âu và Iraq. Với sự ưu ái của ông, Leptis Magna trở thành thành phố giàu có và giữ vai trò quan trọng ở châu Phi, sánh ngang với Alexandria và Carthage.

Vien ngoc La Ma anh 2

Dù Leptis Magna bị cát vùi lấp cho đến đầu thế kỷ 20, tàn tích vẫn còn lưu giữ dấu vết của khu vực trung tâm thành phố từ đầu thời La Mã. Trong đó, những công trình từ thế kỷ 2 được bảo tồn tốt nhất gồm phòng tắm dưới thời hoàng đế Hadrian (117-138), trường đua ngựa dài khoảng 460 m và nhà hát có sức chứa 15.000 khán giả với mái vòm nhìn ra Địa Trung Hải.

Vien ngoc La Ma anh 3

Ngoài ra, tàn tích La Mã còn lưu giữ bức phù điêu khắc họa Septimius Severus, cầu dẫn nước dài 19 km, phòng tắm vinh danh thợ săn có các bức bích họa sơn màu... Nối liền trung tâm thành phố và bến cảng là con đường dài khoảng 410 m. Hai con đường chính của Leptis Magna giao nhau tại quảng trường trung tâm với nymphaeum (tượng đài thánh hiến cho các nữ thần) được trang trí tinh xảo.

Vien ngoc La Ma anh 4

Vương cung thánh đường là công trình đồ sộ nhất tại tàn tích La Mã với chiều dài 160 m và chiều rộng 69 m. Trên hàng cột và mái vòm bằng đá cẩm thạch có phù điêu khắc họa cuộc đời Dionysus (thần rượu nho) và 12 chiến công của Hercules, hai nhân vật trong thần thoại La Mã mà Septimius Severus yêu thích. Liền kề với Vương cung thánh đường là ngôi đền tôn vinh hoàng đế Septimius Severus cùng gia đình hoàng gia.

Vien ngoc La Ma anh 5

Năm 1982, Leptis Magna được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản thế giới. Tiếc rằng, không có nhiều du khách biết đến sự tồn tại của địa điểm tuyệt đẹp này. Nguyên nhân là dưới thời Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo Libya giai đoạn 1969-2011, hoạt động du lịch hầu như không phát triển tại đất nước Bắc Phi này. Những biện pháp trừng phạt của phương Tây dành cho Libya cũng làm nản lòng du khách nước ngoài.

Vien ngoc La Ma anh 6

Muammar Gaddafi quyết định cấp thị thực du lịch lần đầu tiên vào năm 2003. Thậm chí, ông còn thành lập Bộ Du lịch Libya khi chính quyền nước này bắt đầu hàn gắn quan hệ với phương Tây. Nhưng cuộc nội chiến Libya dẫn đến việc nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, khiến đất nước Bắc Phi nhiều năm rơi vào cảnh hỗn loạn. Bạo lực leo thang ảnh hưởng đến sự tồn tại của Leptis Magna, buộc UNESCO phải đưa tàn tích La Mã vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

Vien ngoc La Ma anh 7

Giờ đây, tình trạng căng thẳng tạm lắng trong một năm qua thắp lên hy vọng cho Leptis Magna và ngành du lịch Libya. "Leptis Magna có thể tạo ra hàng nghìn việc làm, chào đón hàng triệu khách du lịch và mang về cho Libya hàng tỷ USD. Đến một ngày dầu sẽ cạn kiệt, nhưng Leptis Magna thì còn mãi", chuyên gia Omar Hdidan chia sẻ.

Theo Zing