Khó bố trí vốn chính sách giải quyết việc làm

Xã hội - Ngày đăng : 15:30, 12/10/2021

Việc bố trí nguồn vốn chính sách ưu đãi thuộc chương trình giải quyết việc làm hiện gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ủy thác địa phương trong khi nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân ngày một tăng.


Ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể khiến nhiều lao động phải nghỉ việc tại xí nghiệp, nhà máy. Nhu cầu cấp vốn cho vay giải quyết việc làm vì thế càng trở nên cấp thiết

Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nguyễn Bá Tuấn (ở khu 7 phường Tân Bình, TP Hải Dương) mở một xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng nhỏ trên mảnh đất gia đình. Trong quá trình phát triển, khi gặp khó khăn do thiếu vốn anh Tuấn đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Hải Dương hỗ trợ. “Thông qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương, tôi được vay 50 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm. Nguồn vốn vay này giúp tôi đủ tiền sửa chữa máy, công việc thuận lợi hơn vì đón được nhu cầu thị trường”, anh Tuấn nói.

Đến nay, khoản vay của anh Tuấn tại Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương được tăng lên thành 69 triệu đồng, góp phần giúp xưởng gỗ của anh hoạt động tốt hơn, đạt mức doanh thu trung bình hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Khoảng 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Bích (ở thôn Thiên Xuân, xã Kim Tân, Kim Thành) tận dụng mảnh đất của gia đình cải tạo thành một khu vườn rộng chừng 1 ha để trồng thanh long và đào 2 ao thả cá. “Lúc đó đất vẫn còn rộng nhưng không có tiền đầu tư trồng thêm cây, thả thêm cá”, anh Bích nhớ lại.

Đến năm 2020, anh Bích được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kim Thành phê duyệt khoản vay 100 triệu đồng giải quyết việc làm. Với khoản vay này, anh Bích đã mạnh dạn mua thêm cây giống, đào thêm 2 ao thả cá. Vườn cây ăn quả nay đã được phủ kín bằng hàng trăm cây thanh long, na, mít, 4 ao nuôi cá rô phi cũng gần đến kỳ thu hoạch. 

Anh Tuấn, anh Bích hay hàng nghìn người dân khác đã từng bước vươn lên trong cuộc sống nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thuộc chương trình giải quyết việc làm. 


Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi theo chương trình giải quyết việc làm, hàng nghìn người dân đã có việc làm ổn định

Qua đánh giá, nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả tích cực. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng CSXH tỉnh, giai đoạn 2016-2020, thông qua nguồn vốn này, gần 6.000 người đã có việc làm ổn định từ những mô hình sản xuất, kinh doanh. Hết tháng 9, tổng dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt trên 184 tỷ đồng với gần 4.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm 58,4 tỷ đồng; dư nợ cho vay từ nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH là gần 66,7 tỷ đồng và dư nợ cho vay từ nguồn vốn huy động tại hệ thống 58,7 tỷ đồng.     

Tuy mang lại hiệu quả thiết thực nhưng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, thời gian qua, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lao động đã buộc phải nghỉ việc ở các xí nghiệp, công ty khiến nhu cầu về vốn giải quyết việc làm tăng lên đáng kể. Khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư dàn trải, khó tập trung vốn cho những mô hình, chương trình, dự án lớn. Thêm vào đó, định mức cho vay hỗ trợ tạo việc làm thấp, mức cho vay bình quân chỉ đạt 41,8 triệu đồng/khách hàng nên hiệu quả, tính ổn định trong giải quyết việc làm chưa cao. 

Trong điều kiện nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế, các địa phương nên quan tâm nhiều hơn nữa trong việc dành nguồn vốn từ ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm nhằm góp phần giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, từ đó phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

  HÀ KIÊN