''Dân vận khéo'' chung sức phòng chống dịch COVID-19

Chính trị - Ngày đăng : 16:36, 14/10/2021

Đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác dân vận đã phát huy vai trò và góp phần không nhỏ vào kết quả phòng chống dịch trên cả nước.  

Người dân là chủ thể trong phòng chống dịch

Trong suốt quá trình lãnh đạo, với quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Bác cũng chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”.

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Chính phủ đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 30.3.2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng chống đại dịch COVID-19 đã nêu rõ: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”.

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ. Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 này, với biến thể Delta, dịch bệnh đã lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, ngày 29.7.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tinh thần “lấy dân làm gốc”, gắn kết mỗi người dân Việt Nam lại với nhau để cùng đất nước vượt qua khủng hoảng

Tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 ngày 5.6.2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong cuộc chiến chống COVID-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”.

Trong Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22.8.2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nêu rõ: “Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết dịnh thành công trong phòng chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân".

Ngày 30.7.2021, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh phải quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các hình thức thiết thực, sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

''Dân vận khéo'' chung sức phòng chống dịch COVID-19

Với tính chất “dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ đã giao cho” như lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận trong hoạt động phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua đã thực sự tác động đến đông đảo người dân, góp phần quan trọng vào những thành công của hoạt động này.

Xác định việc tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ chính trị cấp bách, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ; bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, đoàn thể từ thành phố, thị xã đến xã, phường, các thôn, khu phố nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc", làm tốt công tác dân vận để chống dịch hiệu quả; thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kịp thời truyền tải đến người dân các nội dung công tác phòng chống dịch bệnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Có nhiều người, nhiều gia đình hầu như không ra khỏi nhà trong suốt thời gian giãn cách. Những người được phép ra đường cũng tự giới hạn mình trong sinh hoạt, giao tiếp, như luôn đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn, diệt khuẩn đồ dùng, vật dụng khi trao tay… Chính sự tuân thủ nghiêm ngặt này đã làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, cán bộ dân vận, mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội các cấp luôn bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, động viên, sẻ chia, kịp thời tham mưu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; xây dựng, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, các mô hình dân vận khéo như "Tổ an toàn COVID cộng đồng", "Tổ tự quản của nhân dân"… được xây dựng, hoạt động hiệu quả ở các địa phương, đã góp phần quan trọng trong phòng chống dịch và giữ vững thành quả khi kiểm soát được dịch bệnh, là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân, nhân dân là chủ thể trong phòng chống và chiến thắng dịch bệnh.

Các tổ tự quản đã không quản ngại gian khó, ngày đêm, thường xuyên bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; phát hiện những trường hợp đi, đến và về từ vùng có dịch, báo cáo cấp thẩm quyền thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Mới đây, Ban Dân vận Trung ương đã gửi công văn tới Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông để giới thiệu về Tổ COVID-19 cộng đồng, nhận định đây là mô hình trực tiếp gần dân, sát dân; là cầu nối trực tiếp giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.

Huy động sức dân, nhưng hệ thống dân vận các cấp không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống của nhân dân. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Dân vận Trung ương phối hợp chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân vận các cấp bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình người dân trên địa bàn để kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ; kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị mất việc, giãn việc, phụ nữ, trẻ...; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội. Qua đó đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: “Gian hàng 0 đồng”; “Gian hàng 0 đồng lưu động”; “Bếp ăn 0 đồng”, “Tổ dân vận giúp dân”, “Đội hình thanh niên tình nguyện”, “ATM gạo 0 đồng”… nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong thời gian cách ly, giãn cách.

Ban Dân vận các cấp còn đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực; nhất là phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân.

Dường như mỗi người dân đều nhận thấy rằng cuộc chiến với dịch COVID-19 không phải chỉ của riêng Đảng và Nhà nước. Khi Đảng, Nhà nước và Chính phủ phát động thì mỗi người dân đều hăng hái chung tay. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức.

Trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu chữa cho người dân. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Từ thực tiễn cho thấy “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành quy định phòng chống dịch; đồng thời góp sức, góp của, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Người dân là chủ thể trong phòng chống dịch, chính là góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh ý chí niềm tin, nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của nhân dân trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình đặc biệt nguy hiểm này. Thực hiện tốt vấn đề này chính là quán triệt, cụ thể hóa cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Khi “lòng dân” và “ý Đảng” hội tụ thì đó thực sự là động lực và sức mạnh để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch COVID-19 và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Theo TTXVN