Phản ứng của Trung Quốc trước cuộc điều tra mới về nguồn gốc Covid-19
Tin tức - Ngày đăng : 10:12, 15/10/2021
WHO ngày 13.10 công bố một danh sách đề xuất bao gồm 25 chuyên gia làm nhiệm vụ cố vấn cho tổ chức này trong những bước tiếp theo để truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, sau khi cuộc điều tra trước đó của tổ chức này bị chỉ trích là quá dễ dãi tại Trung Quốc, nơi những ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019.
Bắc Kinh bị cáo buộc đã trì hoãn cung cấp dữ liệu thô về những ca mắc Covid-19 ban đầu khi đội ngũ của WHO đến nước này vào tháng 2.2021. Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ và các nước khác đang chính trị hóa vấn đề nguồn gốc đại dịch.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh sẽ "tiếp tục ủng hộ và tham gia vào những nỗ lực truy vết khoa học toàn cầu, đồng thời phản đối mạnh mẽ bất kỳ hình thức thao túng chính trị nào".
"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan, trong đó có cơ quan thư ký của WHO và nhóm cố vấn, sẽ duy trì hiệu quả thái độ khoa học khách quan và có trách nhiệm", ông Triệu Lập Kiên nói với báo giới.
Các chuyên gia được đề xuất trong cuộc điều tra mới của WHO bao gồm cả một số chuyên gia trong đội ngũ trước đó từng đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19.
Kết quả cuộc điều tra ban đầu của WHO khẳng định, "hoàn toàn không có khả năng" virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, làm dấy lên chỉ trích từ các nhà khoa học bên ngoài rằng, giả thuyết này đã không được đánh giá hợp lý. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó thừa nhận cơ quan này đã "vội vàng" bác bỏ giả thuyết phòng thí nghiệm.
Trung Quốc nhiều lần đặt câu hỏi về việc liệu virus có thực sự bắt nguồn từ nước này hay không, đồng thời kêu gọi điều tra phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ song không đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.
Trung Quốc chủ yếu kiểm soát dịch Covid-19 qua việc đeo khẩu trang, cách ly, truy vết tiếp xúc và đôi khi áp dụng một số biện pháp quyết liệt như phong tỏa và xét nghiệm diện rộng bắt buộc.
Theo VOV