Nhiếp ảnh thời 4.0: Công nghệ nâng tầm tác phẩm

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 15:00, 16/10/2021

Mặc dù nhiếp ảnh là môn nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, mang đậm cảm xúc và dấu ấn cá nhân nhưng cũng chịu những tác động không nhỏ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Thanh Mai tác nghiệp, lưu trữ hình ảnh dễ dàng ở nhiều nơi nhờ máy ảnh kỹ thuật số

Tiện ích

Hơn 10 năm gắn bó với nhiếp ảnh là từng ấy thời gian bà Đỗ Thanh Mai, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thấy rõ những tác động của công nghệ số đối với nhiếp ảnh. Bà Mai kể, năm 2012, đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh có dịp đi thực tế ở Sapa (Lào Cai). Hôm ấy trên đường xuống bản, bầu trời trong veo, ánh nắng chan hòa, xa xa mây vờn sườn núi. Trên đường đi, đoàn nghệ sĩ bắt gặp hình ảnh hai chị em cõng nhau đi bên đường dưới nắng ấm rất đẹp liền xuống chụp ảnh. Bà Mai đi sau cùng, sợ không chụp được ảnh đẹp nhưng rất may vừa đến nơi, bà đã "bắt" kịp khoảnh khắc hai chị em quay lại cười. "Lúc đó một chân mới chạm đất, một chân vẫn còn trên xe máy nhưng tôi vẫn cố gắng bắt khoảnh khắc này. Chỉ lo bức ảnh sẽ bị mờ do rung. Thế nhưng, thật may mắn, nhờ công nghệ của máy kỹ thuật số cùng với chiếc ống kính chống rung tôi đã có được bức ảnh ưng ý. Sau này, bức ảnh đó đã được đưa đi triển lãm toàn quốc và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chọn đi triển lãm quốc tế. Rõ sàng, công nghệ đã đem đến nhiều tiện ích cho những người đam mê nhiếp ảnh", bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, nếu là thời chụp ảnh bằng máy phim, các tác giả phải có những chuyến đi dài ngày với hành trang mang theo không thể thiếu là những cuộn phim. Kết thúc mỗi chuyến đi, công việc quan trọng là tráng phim, in ảnh. Hiện nay, với sự tiến bộ của công nghệ, máy ảnh kỹ thuật số ra đời đã giúp nghệ sĩ không còn phải loay hoay với những cuộn phim hay tráng hình. 

Cùng với đó, sự xuất hiện của nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh đã giúp nhiếp ảnh có sự thay đổi lớn. Những kỹ thuật như chồng phim, chạy sáng, cắt ghép buộc những nghệ sĩ nhiếp ảnh phải thành thạo và đòi hỏi thực hiện cẩn trọng, tỷ mỷ, cầu kỳ thì nay lại làm khá dễ dàng bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh.

Theo ông Nguyễn Thiện Tín, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, trước đây, nhiều nghệ sĩ phải mạo hiểm leo lên những đỉnh núi, ngôi nhà cao tầng mới có thể chụp được những tấm ảnh với góc nhìn hoàn toàn mới lạ thì nay công nghệ đã giúp họ giảm bớt những vất vả, nguy hiểm đó. Nghệ sĩ chỉ cần ở một chỗ, điều khiển thiết bị bay (Flycam) có thể chụp được nhiều góc ảnh mà mắt thường khó có thể thấy được. 

Việc lưu trữ tác phẩm ngày nay cũng dễ dàng hơn nhiều so với trước. Khi chụp ảnh phim, việc sao lưu, tìm kiếm tác phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa thông qua mạng internet, qua email, website hoặc mạng xã hội với khả năng lưu trữ lớn, nghệ sĩ có thể gửi tác phẩm của mình lên đó để tương tác hay giao dịch rất thuận lợi dù ở bất cứ đâu.

Chị Nguyễn Phương Hồng (sinh năm 1987) ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) đam mê chụp ảnh cho rằng, nhiếp ảnh là nghệ thuật của cảm xúc, nhưng không phải vì thế mà sự tác động của công nghệ ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác của nghệ sĩ. “Với những người trẻ, công nghệ đã giúp chúng tôi đến với nghệ thuật nhiếp ảnh dễ dàng hơn. Bởi chỉ cần có một chiếc điện thoại di động, biết bắt từng khoảnh khắc của cuộc sống và có đôi mắt nghệ thuật là có những bức ảnh đẹp”, chị Hồng nói.


Nhờ ống kính chống rung và máy kỹ thuật số mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Mai chụp được bức hình "Hai chị em" khá đẹp 

Không lệ thuộc công nghệ

Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ số đã mang lại nhiều tích cực nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông Nguyễn Thiện Tín - người có nhiều tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi, triển lãm ảnh cho rằng nhờ mạng internet mà hình ảnh có thể chia sẻ rộng rãi đến công chúng nhưng lại đặt ra vấn đề bản quyền. “Nếu tính chuyên nghiệp không cao, người nghệ sĩ không tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vượt trội, khác biệt thì khó khẳng định được vị thế”, ông Tín chia sẻ.

Thời đại công nghệ số cũng không cho phép những người làm nghệ thuật nhiếp ảnh đi chậm, đi sau mà phải nhanh nhạy, biết ứng dụng công nghệ vào phục vụ quá trình làm nghệ thuật của mình. Theo bà Mai, mặt trái của công nghệ số đối với nghệ thuật nhiếp ảnh là nhiều người lạm dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh làm mất đi bản sắc của nghệ thuật nhiếp ảnh. 

Ông Trần Quang Thông, Trưởng Ban Nhiếp ảnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) cho rằng công nghệ số đã khiến nhiếp ảnh nghệ thuật có thêm sức sống mới. Nghệ sĩ cũng có thêm cơ hội để trải nghiệm, dùng công nghệ để hỗ trợ mình trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ đòi hỏi nghệ sĩ phải sống đúng với đam mê của mình. Người cầm máy phải liên tục học hỏi, cập nhật công nghệ mới, sáng tạo không ngừng nghỉ. “Chúng ta chỉ nên để công nghệ nâng tầm tác phẩm của mình chứ không nên lệ thuộc vào nó để tạo nên tác phẩm”, ông Thông nói.

HẢI MINH