Xe khách liên tỉnh hoạt động dựa vào cấp độ dịch ở từng địa bàn

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:55, 17/10/2021

Bộ Giao thông vận tải đưa ra kế hoạch tổ chức vận chuyển, vận tải hành khách bằng ô tô dựa trên nguyên tắc phân loại từng cấp độ dịch ở địa bàn.


Tổ chức hoạt động vận tải hành khách sẽ tùy thuộc vào phân loại từng cấp độ dịch. Ảnh: CTV/Vietnam+

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 10906/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của các lĩnh vực vận tải nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Quy định rõ tiêu chí xét nghiệm với hành khách

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo nguyên tắc phân loại 4 cấp độ dịch, bao gồm cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.

Hành khách tham gia giao thông phải đáp ứng các yêu cầu tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; chỉ xét nghiệm y tế các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp như có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).

Tần suất xe chạy theo từng cấp độ dịch

Với vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra kế hoạch tổ chức vận chuyển, vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Cụ thể, địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường.

Đối với địa bàn có dịch ở cấp 3, vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh (bao gồm cả xe buýt có hành trình từ hai tỉnh trở lên) Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được sở công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm); vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện

Với địa bàn có dịch ở cấp 4, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô gồm vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử), vận chuyển học sinh, sinh viên.

Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động không vượt quá 20% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.

Mặt khác, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng chống dịch COVID-19; nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố; yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm theo quy định.

Trường hợp có hành khách đi từ địa bàn có dịch ở cấp 4, lái xe lập danh sách hành khách đi xe; hướng dẫn hành khách tự kê khai (bao gồm cả việc cập nhật bổ sung hành khách đi xe trên hành trình); sao gửi danh sách hành khách đi xe về Sở Giao thông vận tải nơi đi, nơi đến và lưu trữ 21 ngày kể từ ngày kết thúc chuyến đi để phục vụ công tác truy vết phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền; bảo mật thông tin hành khách theo quy định của pháp luật…

Tại quyết định này, Bộ Giao thông vận tải chỉ điều chỉnh các quy định tổ chức vận tải đối với 3 lĩnh vực đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa. Riêng hàng không và đường sắt tiếp tục thực hiện theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải đã ban hành cho đến ngày 20.10 bởi hiện nay tại Nghị quyết số 128 vẫn chưa có hướng dẫn riêng cho lĩnh vực vận tải hàng không và đường sắt.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam có báo cáo sơ kết đánh giá thời gian thực hiện thí điểm tổ chức vận tải hành khách, đồng thời đề xuất phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện giai đoạn tiếp theo; khẩn trương báo cáo bộ để xem xét, đánh giá và báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch xem xét, quyết định.

Theo Vietnam+