Lao động hồi hương – thách thức và cơ hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 18/10/2021
“Con người là vốn quý”- nhận định giản dị này càng trở nên thấm thía trong hoàn cảnh hàng loạt chuỗi sản xuất bị đứt gãy do hiện tượng “bỏ phố về quê” của người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Theo thông tin của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021, tính đến ngày 15.9, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp để hồi hương. Điều này tạo sức ép khá lớn đối với các doanh nghiệp, các trung tâm công nghiệp lớn, bởi khi kinh tế có cơ hội phục hồi thì các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng không có đủ công nhân, nhất là những người có tay nghề.
Dòng người ùn ùn rời các trung tâm lớn về các tỉnh, thành phố cũng gây sức ép không nhỏ về nhiều mặt đối với các địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố mà mạng lưới y tế còn mỏng cũng như tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh. Tiếp đón, phân loại, tổ chức cách ly, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh… như thế nào trước dòng người ùn ùn “nhập khẩu trở lại” từ địa bàn đang là điểm nóng dịch… thật sự là một thách thức đối với nhiều địa phương. Có lẽ cũng vì lý do này mà giai đoạn đầu, có những địa phương đã lựa chọn biện pháp cực đoan là “đóng cửa” không tiếp nhận con em từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về. Cảnh người dân nằm ngủ la liệt trên cây cầu cửa ngõ một tỉnh phía Bắc khiến người chứng kiến không thể không xót xa.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian dịch bệnh đang hoành hành và hàng đoàn người lao động hồi hương, rất nhiều tỉnh, thành phố đã có những hành động thiết thực và ý nghĩa để hỗ trợ người lao động, giang rộng vòng tay với những người con đi xa làm ăn trở về. Một số tỉnh miền Trung, từ nguồn địa phương hoặc Mạnh Thường Quân, đã tổ chức các chuyến xe, tàu… đưa con em có nhu cầu trở về quê hương. Có lãnh đạo tỉnh đội mưa đứng đón đoàn xe chở dân về quê. Có những huyện nghèo tại Nghệ An, bên cạnh việc tổ chức xét nghiệm, cách ly y tế cho đồng bào hồi hương thì ngay lập tức khảo sát nhu cầu việc làm của bà con: Ai có nhu cầu hết dịch sẽ quay lại các khu công nghiệp thì lên danh sách để địa phương kết nối với các doanh nghiệp, chờ quay lại các trung tâm công nghiệp khi dịch được kiểm soát; ai có nguyện vọng việc làm tại chỗ thì tham gia “Ngày hội việc làm” do địa phương tổ chức để tìm công việc phù hợp…. Đặc biệt, có những địa bàn không có các khu công nghiệp thì địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội tạo điều kiện để người lao động vay vốn, mượn đất, mua trâu bò, sức kéo… để có thể nhanh chóng ổn định đời sống, tiếp tục lao động, sản xuất ngay trên quê hương….
Có thể thấy, những hành động nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả như trên đã thể hiện năng lực quản trị của lãnh đạo các địa phương này, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm của lãnh đạo, chính quyền các cấp đối với con em đi làm xa trở về quê do ảnh hưởng của COVID-19. Những giải pháp này đã có hiệu quả rõ rệt trong việc giải quyết các khó khăn trước mắt, nhằm mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa nhanh chóng giúp người lao động hồi hương ổn định cuộc sống.
Về lâu dài, để đời sống của người lao động tại các địa phương thực sự ổn định, thoát nghèo bền vững, nên chăng một lần nữa, tuỳ từng đặc thù của địa phương mà chủ trương “không ly hương” cần được triển khai một cách sâu sắc. Trên thực tế, nhiều người dân rời quê hương đi làm ăn xa, chịu vất vả nhưng số tiền dành dụm không được nhiều bởi đời sống nơi thành phố khá đắt đỏ. Do đó, họ là những đối tượng dễ bị tổn thương khi có những biến động. Lần “hồi hương” này cũng là một cơ hội để bản thân người lao động và chính quyền địa phương nghiên cứu, tìm kiếm các việc làm khác ngay tại địa bàn. Với những địa phương có điều kiện kêu gọi đầu tư để phát triển các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất…, thì đây là cơ hội để sử dụng nguồn nhân lực đã qua thời gian thực hành nghề tại các thành phố lớn. Với những địa phương khác, có thể tìm cách khôi phục các làng nghề, hoặc hỗ trợ tối đa cho người dân phát triển các cây, con chủ lực, sản xuất nông nghiệp có áp dụng công nghệ mới để tăng sản lượng, nâng cao năng suất, bảo đảm thu nhập cho bà con, giúp người lao động làm giàu ngay trên quê hương.
Trước mắt, để phục vụ cho mục tiêu lâu dài này, các giải pháp về dạy nghề, các chương trình khuyến nông, các chương trình cho vay vốn và kêu gọi đầu tư cần được các địa phương nhanh chóng triển khai… Các giải pháp này vừa nhằm chuẩn bị cung cấp (lại) nguồn nhân lực cho các thành phố, khu sản xuất công nghiệp tập trung, vừa tạo sự ổn định trên địa bàn và đón cơ hội bứt phá về kinh tế của địa phương trong tương lai.
Với các nỗ lực trên của các địa phương, tin rằng khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, người lao động - vốn quý của nền kinh tế- dù sẽ tiếp tục quay trở lại các trung tâm công nghiệp để tìm việc làm, hay có cơ hội ổn định đời sống, phát triển sản xuất ngay trên quê hương mình, sẽ đều có những đóng góp tích cực và hiệu quả, làm giàu cho bản thân, quê hương và đất nước.
Theo báo Tin tức