Túi lưới đựng củi xuất ngoại

Kinh tế - Ngày đăng : 16:07, 18/10/2021

Sản xuất túi lưới đựng củi để xuất sang thị trường Liên bang Nga, anh Phạm Văn Đô ở thôn Thái Khương, xã Thái Dương, huyện Bình Giang (Hải Dương) được nhiều người gọi là “Đô túi lưới”.


Xưởng sản xuất túi lưới của anh Phạm Văn Đô tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng

Đứng lên sau nhiều thất bại

Anh Đô sinh năm 1975, quê gốc ở xã Dân Chủ (Tứ Kỳ). Năng động thử sức ở nhiều công việc, từng sản xuất nhiều sản phẩm nhưng theo anh Đô sản phẩm túi lưới xuất ngoại có lẽ là phù hợp nhất, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà kỹ thuật sản xuất cũng phù hợp với tay nghề của lao động địa phương.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật I, nay là Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, anh Đô đi dạy tại 1 trường nghề ở Sơn Tây (Hà Nội).

Anh Đô chia sẻ anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề ảnh nên thường nghĩ phải làm một cái gì đó liên quan đến ảnh. Bởi vậy, năm 2001, anh quyết định từ bỏ công việc giảng dạy để về mở một xưởng sản xuất khung tranh, ảnh.

Thời gian đầu, việc sản xuất khung tranh, ảnh thuận lợi. Anh Đô đi bán rong khắp nơi, có nhiều mối hàng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình... Năm 2011, do áp lực cạnh tranh, sản phẩm khung tranh có nhiều mẫu mã, chất liệu nên xưởng sản xuất khung tranh của anh phải dừng hoạt động.

Năm 2015, tình cờ biết đến mô hình sản xuất túi siêu thị ở Bắc Giang, anh Đô đã lặn lội sang đó để học cách làm. Sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định tận dụng mặt bằng từ xưởng sản xuất khung tranh, ảnh chuyển sang xưởng sản xuất túi siêu thị. Anh huy động vốn đầu tư các loại máy may, máy cắt, thuê lao động...

Anh Đô cho biết các loại túi siêu thị thường xuyên được nhà sản xuất kinh doanh thay đổi mẫu mã, trong khi thợ ở xưởng tay nghề hạn chế nên không theo kịp, cộng với những khó khăn của thị trường cạnh tranh nên sau gần 3 năm hoạt động việc sản xuất túi siêu thị phải dừng lại.

Theo anh Đô, thời điểm đó, để có những đơn hàng về sản xuất đồ may mặc như quần áo, mũ… thì không khó, nhưng tay nghề của lao động địa phương không thể đáp ứng. Hầu hết thợ trong xưởng đều là phụ nữ trung niên, người ít cũng ngoài 45 tuổi.

“Tôi chọn cách làm hơi khác mọi người. Thông thường, người ta tìm thợ giỏi để đáp ứng được công việc, nhưng tôi lại tìm sản phẩm dễ làm để ai cũng có thể làm được”, anh Đô nói.

Tìm ra sản phẩm phù hợp


Sản phẩm túi lưới đựng củi

Đầu năm 2019, khi biết đến sản phẩm túi lưới đựng củi xuất sang Nga, anh Đô rất vui mừng vì đây thực sự là sản phẩm phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế. Sản phẩm túi lưới đựng củi có thiết kế hình vuông với quai xách đơn giản, dễ làm. Ở nước Nga do khí hậu lạnh nên việc tiêu thụ củi để sưởi ấm rất lớn, đầu ra của túi lưới cũng tương đối ổn định.

Thời gian đó, anh Đô miệt mài ngày đêm vừa cắt nguyên liệu, vừa hướng dẫn thợ trong xưởng từng thao tác từ khâu may viền, may quai, luồn dây… Những đơn hàng đầu tiên được xuất đi, cả anh và mọi người trong xưởng đều vui mừng.

Hiện tại, mỗi ngày, xưởng của anh Đô sản xuất từ 8.000-10.000 sản phẩm. Xưởng tạo việc làm thường xuyên từ 20-30 lao động với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, doanh thu từ sản phẩm này đạt hàng tỷ đồng. Trừ chi phí, anh Đô thu lãi từ 200-300 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Kiền ở thôn Thái Khương chuyên gấp túi tại xưởng. Theo bà Kiền, việc gấp, hoàn thiện khâu đóng gói sản phẩm không nặng nhọc, những người cao tuổi như bà vẫn có thể làm được. “Tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu mà kiếm được công việc với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng là điều rất đáng mừng với tôi”, bà Kiền nói.

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận chuyển, nhập nguyên liệu, xuất hàng gặp nhiều khó khăn. Anh Đô mong muốn dịch bệnh mong chóng qua đi để hoạt động sản xuất ổn định trở lại.   

HÀ NGA