Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:31, 21/10/2021
Việc tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến với 400 điểm cầu trên cả nước. Ảnh: Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngày 21.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chương trình tập huấn được kết nối từ điểm cầu trung tâm tại Bộ Giáo dục và Đào tạo tới 400 điểm cầu trong cả nước với khoảng 1.000 đại biểu tham dự là các cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên, cán bộ quản lý của các trường tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc.
Trong chương trình tập huấn, các chuyên gia chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về 4 chuyên đề: nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch COVID-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng trường học an toàn thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em.
Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản chỉ đạo thúc đẩy vấn đề tư vấn tâm lý học đường, trong đó có Thông tư 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Hàng năm, bộ đều ban hành hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ thực hiện công tác này.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội. Đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến các em mà còn ảnh hưởng đến các thầy cô. Do đó, các thầy cô cần cân bằng công việc, gia đình để làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các em trong khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý cần đánh giá đúng thực trạng, hậu quả do dịch COVID-19 gây ra ảnh hưởng đến tâm lý học đường và học sinh; tập trung kỹ năng nhận diện được sự căng thẳng của mỗi em cũng như khó khăn các em gặp phải. Các cán bộ, giáo viên cần được hướng dẫn thực hành kỹ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài tập thư giãn, giảm căng thẳng trong và sau thời gian dịch COVID-19, chuẩn bị cho các em quay lại trường một cách tốt nhất.
Trong hai ngày tập huấn, các chuyên gia cùng cán bộ, giáo viên tập trung phân tích, làm rõ những nguy cơ tổn thương, khủng hoảng tâm lý của học sinh khi học trực tuyến, việc các em sử dụng internet, công nghệ, đặc biệt, cần có chiến lược để bảo đảm an toàn cho các em trên không gian mạng trong quá trình học trực tuyến.
Theo TTXVN