[Video] Nan giải tình trạng học sinh vi phạm giao thông

Pháp luật - Ngày đăng : 10:35, 23/10/2021

Thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh có chiều hướng tăng lên.


Thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống nên nhiều học sinh tự biến mình thành nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông

Thiếu kiến thức

Tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn ra phổ biến. Tại các trục đường chính không khó bắt gặp hình ảnh học sinh chạy xe điện, xe gắn máy, mô tô với tốc độ cao, kẹp 3, có em bất chấp tín hiệu đèn giao thông, luồn lách, lấn làn... "Mỗi lần ra đường nhìn thấy các cháu học sinh phóng xe, kẹp 3 lao vun vút khiến tôi không khỏi rùng mình", ông Nguyễn Đức Hiếu ở đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) nói.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, từ ngày 15.12.2020 - 15.10.2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông liên quan đến độ tuổi dưới 18, chiếm 21% tổng số vụ tai nạn giao thông. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 15.9-15.10 đã có 8 vụ tai nạn liên quan đến lứa tuổi học sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng trong thời gian qua là do các em thiếu hiểu biết, kỹ năng xử lý tình huống kém nên một số trường hợp tự biến mình thành nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông. Như vụ tai nạn giao thông trưa 19.10 tại đường tỉnh 394 đoạn qua xã Long Xuyên (Bình Giang) làm một nữ sinh tử vong. Em N.T.A.P. (sinh năm 2005, trú tại thôn Quý Dương, xã Tân Trường, Cẩm Giàng) đi xe gắn máy 34AA - 1992.79 chở 2 học sinh khác hướng từ cầu Cậy đi Phủ (Bình Giang) khi đến km 9 + 500, em P. tăng ga với ý định vượt ô tô đang đi cùng chiều phía trước. Do vượt trái thiếu quan sát nên xe của P. đã lao thẳng vào xe ô tô 34C - 170.62 của anh Đặng Đình Cường (sinh năm 1987, ở thôn Bằng Giã, xã Tân Việt, Bình Giang) đi ngược chiều. Va chạm mạnh khiến chiếc xe gắn máy bị cuốn vào gầm trước ô tô, em P. tử vong tại chỗ. 

Gần đây, tại ngã tư giao cắt giữa đường tỉnh 390D với đường tỉnh 390 đoạn qua xã Nam Trung cũng xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng làm em N.V.D. (sinh năm 2006, trú tại xã Hiệp Cát, cùng huyện Nam Sách) bị thương nặng. Nguyên nhân do sự chủ quan của nam sinh này khi cố vượt đèn đỏ dù chỉ còn phải chờ ít giây nữa. Theo camera ghi lại, không chỉ vượt đèn đỏ, em D. còn đi với tốc độ cao và không đội mũ bảo hiểm. Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), D. được chẩn đoán chấn thương sọ não, gãy xương đùi, xương sườn, hôn mê sâu phải thở máy.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) diễn ra phổ biến nhưng số lượng bị lực lượng chức năng xử lý thực tế lại rất khiêm tốn, chủ yếu vẫn là thông báo, nhắc nhở, giáo dục. Điều này đã khiến các em càng chủ quan khi tham gia giao thông. Hiện chưa có một chương trình giáo dục về ATGT có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong các cấp học, trong khi việc tuyên truyền thiếu chiều sâu nên hiệu quả còn hạn chế. 

Để nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc chấp hành pháp luật giao thông đòi hỏi vai trò lớn từ phía gia đình. Tuy nhiên vì nhiều lý do các bậc phụ huynh chưa quan tâm việc giáo dục cho con em về ATGT. Một số phụ huynh còn chủ quan, sẵn sàng giao phương tiện cho con em cầm lái, dù biết các em chưa đủ tuổi. Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến các trường hợp này.

Vào tối 3.10, một nam sinh 16 tuổi lái xe mô tô 34B2-922.19 chở theo bạn từ ngã tư Ngô Quyền đi hướng ngã ba Hoàng Long (TP Hải Dương). Khi đến ngã tư giao cắt giữa đường Nguyễn Lương Bằng và đường Vũ Hựu (đoạn gần cổng trụ sở Tỉnh đoàn) đã xảy ra va chạm với xe mô tô 34B4-199.47 do chị N.T.T. (sinh năm 2001, trú tại xã Thanh Sơn, Thanh Hà) lái, phía sau chở chị L.T.T. (sinh năm 1997, ở huyện Thuận Châu, Sơn La). Va chạm mạnh nên cả 4 người đều ngã ra đường, chị L.T.T. bị thương nặng, 3 người còn lại bị xây xát nhẹ. Đến chiều 4.10, chị L.T.T. đã không qua khỏi vì đa chấn thương.

Vừa qua, Công an huyện Kim Thành phạt cảnh cáo 7 học sinh điều khiển phương tiện giao thông nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2, hàng 3, lạng lách, đánh võng. Liên quan vụ việc này có 2 phụ huynh bị phạt 1,4 triệu đồng/trường hợp vì giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển. "Nhiều phụ huynh không ý thức được hậu quả đáng tiếc có thể bắt nguồn từ sự nuông chiều con em. Trường hợp các em gây tai nạn chết người, phụ huynh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển", trung tá Nguyễn Văn Hường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an huyện Cẩm Giàng) cho biết. 

Để hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, nhà trường và gia đình phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Công tác tuyên truyền, giảng dạy về bảo đảm ATGT cần có chiều sâu, sinh động và phong phú. Lực lượng chức năng cần triển khai các biện pháp mang tính răn đe để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ phổ biến như hiện nay.

ĐỖ QUYẾT


Xem clip