Tiêm vaccine cho trẻ: "Không tiêm, con có được đến trường không?"

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:06, 23/10/2021

Nhiều phụ huynh lo lắng đặt câu hỏi: "nếu không cho con tiêm trong đợt này, thì liệu rằng con có được đến trường học trực tiếp như các bạn đã tiêm hay không?"

Trước thông tin Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, nhiều phụ huynh băn khoăn, nếu không tiêm, học sinh có được đến trường học trực tiếp hay không?


Phụ huynh và đội ngũ nhà giáo cũng cần chuẩn bị tâm lý trước việc sẽ có những học sinh chưa tiêm phòng tham gia lớp học

Phụ huynh bâng khuâng "đứng giữa dòng"

Thực hiện theo chủ trương tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12- 17 tuổi của Bộ Y tế, các trường THCS, THPT tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh để chuẩn bị cho công tác tiêm phòng trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, khá nhiều bậc làm cha, làm mẹ tỏ ra băn khoăn, lo lắng.

Phụ huynh Trần D., có con học tại một trường THCS trên địa bàn Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm gửi mẫu đăng ký tiêm vaccine Covid-19 theo hình thức trực tuyến tới cha mẹ học sinh. Nếu phụ huynh nào đồng ý tiêm vaccine cho con thì điền thông tin của học sinh và người giám hộ.

"Hiện tại, hai vợ chồng tôi vẫn đang suy nghĩ, bởi còn đó lắm nỗi lo. Đồng ý việc tiêm vaccine là quan trọng, nhưng bên cạnh đó cũng có những tác dụng phụ, biết đâu lại ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này. Người lớn thì có thể xuề xòa, nhưng với trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, phát triển thì phải cân nhắc cho kỹ".

Phụ huynh này chia sẻ, bản thân chị như đang "đứng giữa dòng nước", không biết chọn hướng nào trước kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ. Một bên là trăn trở về thương hiệu và chất lượng vaccine, một bên phụ huynh này lại lo lắng "nếu không cho con tiêm trong đợt này, thì liệu rằng con có được đến trường học trực tiếp như các bạn đã tiêm hay không?".

Lo ngại việc tiêm vaccine chưa được kiểm nghiệm đầy đủ theo quy trình truyền thống có thể sẽ xảy ra những phản ứng phụ lâu dài, phụ huynh Lê Văn Định (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, nếu việc tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, anh sẽ chờ tới khi có kết quả nghiên cứu thực tế về tính hiệu quả của vaccine, thay vì đăng ký tiêm cho con gái ngay từ đợt đầu.

Tuy nhiên, cũng giống phụ huynh Trần D., anh Định cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc không đăng ký tiêm chủng sẽ cản trở quá trình đi học trở lại của con.

"Tôi sợ rằng nếu không tiêm, nhà trường sẽ không đồng ý cho con đến trường và yêu cầu tiếp tục học online. Còn trong trường hợp con may mắn được trở lại trường, tôi lại lo con bị bạn bè, thầy cô kỳ thị, xa lánh vì không đăng ký tiêm phòng Covid-19.

Nếu xảy ra, tình huống này còn tồi tệ gấp trăm, gấp ngàn lần so với trường hợp con không được đến trường học trực tiếp".

Học sinh có quyền tiêm vaccine hoặc không

Ông Hoàng Văn Đương - Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), trưởng ban chỉ đạo tiêm chủng của xã cho biết, giống với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thành phố Hải Phòng lên phương án, chuẩn bị cho kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các quận, huyện, xã đang phối hợp với các trường học trên địa bàn, tiến hành thống kê số lượng học sinh trong độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

"Tiêm chủng cho học sinh độ tuổi từ 12 - 17 là việc làm vô cùng cần thiết. Hiểu được điều này, chúng tôi cũng đã tiến hành thông báo, tuyên truyền rộng rãi tới tầng lớp nhân dân. Tất nhiên, tiêm khi nào, tiêm loại vaccine nào thì cần phải chờ hướng dẫn cụ thể từ ngành y tế.

Dự kiến, việc tiêm chủng sẽ được tổ chức ở trường học để thuận lợi hơn trong quá trình thống kê số liệu học sinh".

Trước những băn khoăn của các bậc phụ huynh về thương hiệu cũng như tác dụng phụ của vaccine phòng Covid-19, một chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ ở lứa tuổi 12 - 17 đang trong độ tuổi phát triển cả về tâm lý và thể chất, do đó, việc cha mẹ lo lắng cho sức khỏe lâu dài của con em khi tiêm vaccine là vô cùng chính đáng.

Với trăn trở "nếu có học sinh không đăng ký tiêm thì có được đi học trực tiếp?" mà một số phụ huynh đặt ra, vị chuyên gia này khuyên phụ không nên lo lắng. Lý do là chủ trương tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 17 tuổi có quy định lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh học sinh, người giám hộ. Chỉ khi nào phụ huynh hay người giám hộ cho trẻ đồng ý thì học sinh mới được tiêm chủng.

Ông Hoàng Văn Đương khẳng định, việc tiêm phòng Covid-19 hoàn toàn không bắt buộc và phụ huynh có quyền cho con mình tiêm hoặc không. Tuy nhiên, dẫu quyết định thế nào, việc quan trọng cần làm chính là yêu cầu, nhắc nhở trẻ thực hiện nguyên tắc 5K, ăn uống nghỉ ngơi, vận động đầy đủ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Mai T. (nhân viên y tế học đường) cho hay, việc tiêm vaccine có thể sẽ không gây cản trở cho quá trình học tập trực tiếp của các em. Bởi trên thực tế, tiêm vaccine cho trẻ là hoàn toàn tự nguyện, đồng thời đây không phải là điều kiện để học sinh đến trường học trực tiếp.

"Hiện tại, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc tiêm chủng có ảnh hưởng tới quá trình học tập trở lại của trẻ hay không. Nhưng theo tôi, chúng ta không nên rạch ròi, yêu cầu những học sinh chưa tiêm phòng thì phải ở nhà học online, vì như vậy là có sự phân biệt".

Tương tự, nhà giáo Hoàng Oanh (giáo viên cấp 3 tại Hà Nội) cho hay, tiêm hay không là quyền của học sinh và phụ huynh, chúng ta không có quyền cấm các em đến trường.

Cũng theo giáo viên này, nếu trường học mở cửa, việc tiêm vaccine cho trẻ được triển khai, phụ huynh và đội ngũ nhà giáo cũng cần chuẩn bị tâm lý trước việc sẽ có những học sinh chưa tiêm phòng tham gia lớp học.

"Theo tôi, cần có cuộc trò chuyện, đả thông tư tưởng giữa phụ huynh và giáo viên trước khi việc học trực tuyến được triển khai trở lại. Điều này để tránh tình trạng một số người nảy sinh cảm giác kỳ thị với những học sinh vì lý do nào đó mà chưa tiêm vaccine" - cô Oanh đề xuất.

Theo Dân trí