Thu trên 4.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng, xử lý hình sự 16 người đứng đầu
Tin tức - Ngày đăng : 18:17, 23/10/2021
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 23.10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021.
Xử lý 51 người đứng đầu
Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội khẳng định, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn song công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước.
Đặc biệt là có sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành như: quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án “Nghiên cứu, mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”; Đề án “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập”
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2021, có 4 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng; có 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ. 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật.
Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.206 ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 45.071 tỷ đồng, 3.708 ha đất... Chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ).
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 103.208 tỷ đồng; cung cấp 182 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng.
Liên quan công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, Chính phủ cho biết tổng số tiền phải thi hành trên 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỷ đồng; đã thu được trên 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có việc công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức để PCTN vẫn còn hạn chế; ở một số bộ, ngành, địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định gây hoài nghi trong dư luận.
Tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”.
Qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật đối với nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định
Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; chất lượng công tác điều tra, xử lý được nâng lên, đã khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang…
“Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ” – bà Lê Thị Nga nói.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức ở một số cơ quan, đơn vị còn có trường hợp chưa bảo đảm; một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch…, dẫn đến phải thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm.
Tình trạng bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật, “móc ngoặc” giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước với doanh nghiệp… còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021, song cung nhấn mạnh tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”. Đáng lưu ý là đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo VOV